Hải Dương: Công ty Cổ phần Viwaseen 6 bị xử phạt do vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước

Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Viwaseen 6 ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa (TP.Hà Nội) 155 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Công ty này bị phạt 120 triệu đồng do khai thác, sử dụng nước mặt từ sông Lai Vu thuộc địa phận phường Ái Quốc (TP.Hải Dương) để sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất công nghiệp từ ngày 10/4 – 5/10/2023 với lưu lượng 3.500m3/ngày đêm khi giấy phép đã hết hạn. Đồng thời bị phạt 35 triệu đồng do nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước không đúng thời hạn quy định.

Bên cạnh hình thức xử phạt chính, Công ty CP Viwaseen 6 còn buộc phải nộp lại hơn 53 triệu đồng là số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Công ty CP Viwaseen 6 được Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào tháng 3/2008, đăng ký thay đổi lần thứ 6 vào tháng 9/2013. Ông Lý Mạnh Hà là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Nhà máy nước của Công ty CP Viwaseen6 có trụ sở tại phường Ái Quốc (TP.Hải Dương).

Do vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước Công ty CP Viwaseen 6 bị xử phạt. (Ảnh: Báo Hải Dương)

Trong diễn biến liên quan tới hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước, trước đó, ngày 24/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP trong đó quy định vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường gồm: Vi phạm các quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về sử dụng số liệu, thông tin kết quả điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; vi phạm các quy định về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; vi phạm các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; vi phạm các quy định về kỹ thuật an toàn mỏ và vi phạm khác trong lĩnh vực khoáng sản, đồng thời đã quy định các hình thức, mức độ xử phạt đối với các hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn một số nội dung chưa được quy định đầy đủ, mức xử phạt chưa cụ thể hoặc mang tính răn đe chưa cao, do đó, ngày 06/01/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ. Để mọi hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản đảm bảo đúng quy định, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản, tài nguyên nước cần chú ý một số nội dung sau:

Hình thức xử phạt chính là tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành (Trước đây, hình thức xử phạt chính còn bao gồm tước giấy giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất).

Hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành (Trước đây, không xử phạt đối với hành vi sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất và thời hạn đình chỉ chỉ từ 01 tháng đến 12 tháng – điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định 36/2020/NĐ-CP).

Hình thức xử phạt bổ sung đó là bỏ hình thức tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép.

Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại giấy phép đã bị sửa chữa, làm lệch nội dung đối với hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp. 

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi: Nộp chậm báo cáo định kỳ hoạt động thăm dò khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định từ 30 ngày đến dưới 60 ngày kể từ ngày 01 tháng 02 của năm kế tiếp kỳ báo cáo (Trước đây là chậm từ 15 ngày đến dưới 30 ngày kể từ ngày 01 tháng 02 của năm kế tiếp kỳ báo cáo).

Bổ sung quy định phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi: Không nộp báo cáo định kỳ hoạt động thăm dò khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định (tổ chức, cá nhân nộp báo cáo định kỳ hoạt động thăm dò khoáng sản chậm từ 60 ngày trở lên kể từ ngày 01 tháng 02 của năm kế tiếp kỳ báo cáo được xem là không nộp báo cáo định kỳ hoạt động thăm dò khoáng sản) (Trước đây, thời hạn nộp chậm báo cáo định kỳ là quá 30 ngày kể từ ngày 01 tháng 02 của năm kế tiếp kỳ báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản).

Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi: Nộp chậm báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định từ 30 ngày đến dưới 60 ngày kể từ ngày 01 tháng 02 của năm kế tiếp kỳ báo cáo.

Bổ sung quy định phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (tổ chức, cá nhân nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản chậm từ 60 ngày trở lên kể từ ngày 01 tháng 02 của năm kế tiếp kỳ báo cáo được xem là không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản) (Trước đây, thời hạn nộp chậm báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản là quá 30 ngày kể từ ngày 01 tháng 02 của năm kế tiếp kỳ báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền).

Mức phạt này áp dụng với cá nhân, tổ chức vi phạm bị phạt gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân (khoản 1 Điều 4 Nghị định 36/2020/NĐ-CP).

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích