Hải Dương: Chấm dứt hoạt động và hoàn thành việc giải tỏa các bến, bãi không có quy hoạch trước ngày 31/12/2024
(Xây dựng) – Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động bến, bãi ven sông, kênh trục nội đồng trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đánh giá: Hoạt động của các bến bãi ven sông, kênh trục nội đồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần đẩy mạnh hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa bằng đường thủy với tỷ trọng lớn, đáp ứng nguyên, vật liệu phục vụ các dự án, công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và phục vụ dân sinh trên địa bàn tỉnh, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Mặc dù có nhiều điểm tích cực nhưng hoạt động của các bến, bãi có những thời điểm diễn biến phức tạp. Kiểm tra của cơ quan chuyên môn đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến đầu tư, đất đai, thuế, đê điều, giao thông, khoáng sản, môi trường… Nhiều trường hợp không chấp hành các quy định của pháp luật, tự ý sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất vào hoạt động sản xuất, kinh doanh không phép, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây thất thu ngân sách.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, nguyên nhân do công tác quản lý hoạt động bến, bãi ven sông, kênh trục nội đồng trong thời gian qua chưa được các cấp, ngành quan tâm thỏa đáng, xử lý các vi phạm chưa quyết liệt. Công tác thanh tra, giám sát chưa thường xuyên, nghiêm túc. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn đối với các chủ đầu tư kinh doanh bến bãi chưa đầy đủ; ý thức chấp hành của các chủ bến bãi chưa nghiêm.
Nghị quyết nêu ra mục tiêu: Chấm dứt hoạt động và hoàn thành việc giải tỏa các bến, bãi không có quy hoạch trước ngày 31/12/2024; từ năm 2026, tất cả bến, bãi có hoạt động sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện mục tiêu này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý hoạt động bến, bãi; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý hoạt động bến, bãi tại địa phương mình.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, các Sở, ngành chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể nhằm khắc phục các hạn chế trong quản lý hoạt động bến bãi; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc hoàn thành thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động bến, bãi; kiên quyết chấm dứt hoạt động và tổ chức giải tỏa đối với các bến bãi không có quy hoạch. Dừng hoạt động đối với các bến, bãi thiếu các thủ tục pháp lý có vi phạm nhưng không khắc phục.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, tạo sự thống nhất từ nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động bến bãi; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và ý thức nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công tác quản lý hoạt động bến, bãi; định hướng tuyên truyền, thường xuyên cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động bến, bãi trên các phương tiện thông tin đại chúng bảo đảm kịp thời, chính xác.
Đồng thời, cấp ủy, chính quyền địa phương phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động bến bãi; đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiên quyết không để vi phạm kéo dài hoặc phát sinh mới; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức, triển khai, quản lý hoạt động của các bến, bãi; khẩn trương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động công khai các thủ tục liên quan đến hoạt động bến, bãi, quản lý thuế, phí để chống thất thu ngân sách…
Nguồn: Báo xây dựng