Hai bộ nghiên cứu lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất (QSDĐ).
Việc thành lập sàn giao dịch QSDĐ nhằm thể chế hóa Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Đồng thời để thị trường QSDĐ hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh, bền vững.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo trước ngày 15/8.
Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khi triển khai phát triển sàn giao dịch QSDĐ, Chính phủ có thể muốn có những quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng hơn các điều kiện, yếu tố có liên quan đến hoạt động mua bán QSDĐ được luật hoá cao hơn nhằm mang lại lợi ích cho các bên.
“Từ trước đến nay, việc mua bán QSDĐ vẫn diễn ra trên thị trường, sàn bất động sản. QSDĐ đã được quy định trong Luật Đất đai. Việc mua bán cũng được quy định trong các luật liên quan. Tuy nhiên, thực tế còn có những khó khăn. Đặc biệt trong việc xử lý tài sản gắn liền với QSDĐ.
Có thể thấy rằng, một trong những khó khăn lớn nhất trong việc xử lý các tài sản đảm bảo của các tổ chức tài chính tín dụng thời gian qua là xử lý tài sản đảm bảo có liên quan đến QSDĐ. Cho nên việc thành lập sàn giao dịch QSDĐ là tốt, góp phần mua bán QSDĐ cụ thể rõ ràng, công khai minh bạch và hiệu quả cao hơn” – ông Thịnh nói.
Vị chuyên gia kinh tế cũng nêu lên một số vấn đề cần làm rõ là cơ chế vận hành của sàn như thế nào? Ai sẽ giám sát? Các chủ thể tham gia cũng cần phải phải được quy định cụ thể rõ ràng…
“Vấn đề lớn của sàn giao dịch này là cơ chế vận hành hợp lý và tin cậy trong bối cảnh nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý cho tài sản bất động sản còn chưa hoàn chỉnh. Việc tạo ra “chợ” mua bán QSDĐ phải đáp ứng được nhu cầu của “chợ”. Có người bán, có người mua, có quy định… Nếu không có gì đặc biệt, không có lợi ích, hiệu quả hơn cái cũ thì cũng không thu hút người đến mua – bán” – TS. Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc CTCP đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property), cho rằng, khi nghiên cứu thành lập và vận hành sàn giao dịch QSDĐ cần xem xét vấn đề tổ chức bộ máy, người dân, doanh nghiệp có phải bắt buộc mua bán QSDĐ qua sàn hay không? Ai quản lý? Quản lý như thế nào?…
“Điều quan trọng vẫn là cơ chế vận hành, pháp lý ra sao để các chủ thể tham gia được hiệu quả, thuận lợi. Nếu không sẽ tạo ra giấy phép con. Chủ trương đưa ra đều muốn tốt cho thị trường nhưng nếu các quy định không rõ ràng sẽ không thu hút người tham gia và có thể tạo thêm rào cản, phức tạp trong khi nhiều luật đã quy định. Triển khai sàn giao dịch QSDĐ cần có cơ chế tốt nhất cho người tham gia, phù hợp với hoạt động thực tiễn, thị trường” – ông Toản nói.
Nguồn: Báo xây dựng