Hai bài thuốc dân gian trị bệnh gan, mật được cấp Bằng độc quyền sáng chế

Hai bài thuốc dân gian trị bệnh gan, mật được cấp Bằng độc quyền sáng chế

Đình Quang –  Thứ năm, 02/12/2021 10:53 (GMT+7)

Hai sản phẩm của đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu đánh giá và phát triển một số bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị bệnh gan, mật của các dân tộc vùng Tây Bắc” vừa được Cục sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế.

Đó là sản phẩm “Hỗn hợp chứa cao chiết của cây trứng quốc, thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chứa hỗn hợp này có tác dụng bảo vệ gan và lợi mật” và “Phương pháp chiết tách hợp chất Capparilosit A từ cây trứng quốc”. Cả hai sản phẩm này đều thuộc sở hữu của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội.

tm-img-alt
Bằng độc quyền sáng chế của hai bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị bệnh gan, mật

Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu về mặt hóa học đối với 2 bài thuốc trên, cùng 4 vị chính là bàn tay ma, giảo cổ lam, trứng quốc và dứa dại. Ngoài ra, còn nghiên cứu thêm 2 cây thuốc trong 5 bài thuốc tiềm năng ban đầu là gáo vàng Luculia pinceana Hook và lá gan Pellionia latifolia (Blume) Boerl  (Urticaceae). Tách chiết, xác định thành phần, cấu trúc của 57 hợp chất chính, trong đó có 2 chất mới bằng các kỹ thuật hiện đại như sắc ký lỏng, sắc ký khí một chiều, hai chiều, cộng hưởng từ hạt nhân một chiều, hai chiều và thử nghiệm dược lý để xác định hoạt tính của chúng. Sản phẩm thu được là các bộ dữ liệu về thành phần, cấu trúc các chất trong vị thuốc, bài thuốc đã nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu về tác dụng bảo vệ gan và lợi mật của hai bài thuốc gốc cho thấy cả hai bài thuốc đều có tác dụng bảo vệ gan qua thử nghiệm invivo đối với chuột (giảm hoạt độ enzym AST, ALT, giảm các chỉ số viêm TNF-α, IFN-γ, MDA,  giảm tổn thương gan trên đại thể và vi thể). Cả hai bài thuốc gốc có tác dụng lợi mật rõ rệt và không thể hiện độc tính cấp và độc tính bán trường diễn. Sản phẩm thu được là hồ sơ xác thực về tác dụng sinh học của hai bài thuốc trên động vật thí nghiệm.

Các quy trình công nghệ bào chế cao khô, viên nang cứng chứa cao khô của hai bài thuốc cũng đã được các nhà khoa học phát triển thành công và đã được ứng dụng trong điều kiện sản xuất thực tế, trên quy mô bán công nghiệp để bào chế các mẫu cao khô (2 mẫu cao – 5 kg/loại) và viên nang cứng (2 mẫu viên nang – 10.000 viên/loại). Sản phẩm bào chế đã được tiêu chuẩn hóa và xây dựng thành công các tiêu chuẩn cơ sở.

Độ ổn định của các sản phẩm bào chế (cao khô và viên nang) trong điều kiện bảo quản dài hạn và bảo quản trong điều kiện lão hóa cấp tốc đã được đánh giá. Kết quả cho thấy, các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn sau 12 tháng bảo quản.

Việc cấp bằng Độc quyền sáng chế cho hai sản phẩm nói trên góp phần bảo tồn, phát huy tri thức y học dân gian bản địa, vừa góp phần thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu của đề tài.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích