Hai Bà Trưng (Hà Nội): Thăng Long Garden Tower “hứa hẹn” trở lại vào năm 2023
(Xây dựng) – Tọa lạc tại vị trí đắc địa số 250 Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), khu đất “vàng” hơn 13.000m2 của Công ty Cổ phần May Thăng Long đến nay mới chỉ sử dụng được một phần, diện tích còn lại vẫn là một toà nhà xây dang dở, với những khối bê tông, sắt thép đã hoen gỉ. Việc bất ngờ dừng triển khai dự án nhiều năm khiến người dân không khỏi tiếc nuối và xót xa. Tìm hiểu được biết, dự kiến dự án này sẽ được chủ đầu tư hứa hẹn triển khai xây dựng vào năm 2023.
Thăng Long Garden Tower (thuộc Dự án Thăng Long Garden) bất ngờ bị dừng thi công khi đã hoàn thiện xong 2 hầm và 5 tầng nổi. |
Tìm hiểu được biết, khu đất rộng 13.000m2 số 250 Minh Khai (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vốn là đất của Công ty Cổ phần May Thăng Long. Sau khi nhà máy này di dời, công ty cũng rẽ hướng kinh doanh bất động sản, nơi đây mọc lên dự án có tên gọi là Dự án Thăng Long Garden. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần May Thăng Long, đơn vị thi công là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng ECON.
Công ty Cổ phần May Thăng Long được thành lập ngày 08/05/1958 tiền thân là Công ty May mặc xuất khẩu. Tháng 10/2003, Công ty May Thăng Long được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty Cổ phần May Thăng Long, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối 51%. Tháng 12/2006, Công ty Cổ phần May Thăng Long thực hiện việc đấu giá bán cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp, để chuyển thành Công ty Cổ phần May Thăng Long 100% vốn thuộc các cổ đông ngoài Nhà nước.
Theo giới thiệu của chủ đầu tư, Dự án Thăng Long Garden được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 13.209m2 bao gồm 3 khối nhà: Khối A1 là Trung tâm thương mại và văn phòng (cao 25 tầng với tên gọi Thăng Long Garden Tower); Khối chung cư A2 (cao 19 tầng mang tên Econ Tower); Khối chung cư A3 (cao 25 tầng mang tên Thăng Long Tower). Khu thương mại được bố trí ở 5 tầng đế của tòa nhà văn phòng tiếp giáp mặt đường Minh Khai, tách biệt với hai tòa tháp Econ và Thăng Long.
Khối A1 là Trung tâm thương mại và văn phòng cao 25 tầng với tên gọi Thăng Long Garden Tower hiện nay vẫn chỉ là khối bê tông nằm giữa phố Minh Khai sầm uất. |
Thực tế hiện nay, 2 khối nhà chung cư A2 và A3 đã hoàn thiện từ lâu và có người dân sinh sống thì Khối A1 là Trung tâm thương mại và văn phòng cao 25 tầng với tên gọi Thăng Long Garden Tower mới chỉ xây thô đến tầng thứ 5 và không còn dấu hiệu được triển khai.
Bên dưới toà văn phòng bị bỏ không là những ki-ốt tạm bợ được dựng lên để sử dụng làm nơi bán hàng quần áo, thời trang với nhãn hiệu Công ty Cổ phần May Thăng Long. |
Theo thời gian, từng hạng mục trong và ngoài tòa A1 Thăng Long Garden Tower đã có hiện tượng bị xuống cấp. |
Theo chủ đầu tư chia sẻ, phần diện tích quanh tòa A1 hiện nay được tận dụng để mở rộng tạm thời nhằm đảm bảo nhu cầu đỗ xe cho cư dân 2 tòa chung cư A2, A3. |
Với địa điểm vàng nằm giữa quận Hai Bà Trưng, Thăng Long Garden Tower số 250 Minh Khai đã trở thành niềm tiếc nuối của người dân khi nằm bất động suốt thời gian dài. |
Để tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao Thăng Long Garden Tower lại “đột nhiên” dừng thi công nhiều năm, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với UBND phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng và chủ đầu tư là Công ty Cổ phần May Thăng Long.
Về phía chủ đầu tư, ông Lương Ngọc Nguyên – Giám đốc điều Công ty Cổ phần May Thăng Long cho biết: Chủ đầu tư sở hữu rộng hơn 13.000m2 đất tại số 250 Minh Khai (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với chủ trương sẽ xây 3 tòa cao ốc, gồm 2 tòa chung cư và 1 tòa Trung tâm thương mại & văn phòng (có tên Thăng Long Garden Tower). Năm 2008, giá cho thuê văn giao động từ 12$-18$/m2/tháng; đến năm 2014, Thành phố Hà Nội có chính sách dịch chuyển khu vực văn phòng ra khỏi phòng 4 quận lõi trung tâm Hà Nội, do đó giá cho thuê giảm mạnh chỉ còn 3$-4$/m2/tháng. Chính vì giá thuê có sự thay đổi đột ngột khiến cho chủ trương xây dựng tòa A1 không còn phù hợp với tình hình kinh tế của Công ty, nếu tiếp tục đầu tư sẽ khó khăn cho Công ty. Đây chính là nguyên ngân dẫn đến việc chủ đầu tư dừng xây dựng Thăng Long Garden Tower. Thay vào đó, chủ đầu tư đã có văn bản “xin bổ sung thay đổi công năng một số tầng trong dự án”, nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây Trung tâm thương mại và văn phòng như ban đầu nhưng cũng phù hợp với tình hình thực tế giá thuê tại Hà Nội. Hiện nay, vướng mắc trong cơ chế và chờ đợi được phê duyệt là nguyên nhân duy nhất dẫn đến việc chậm triển khai dự án. Phía chủ đầu tư mong muốn các cấp Sở, ngành tạo điều kiện phê duyệt về thay đổi công năng một số tầng. Ngoài ra, hiện nay, Công ty cũng đang xúc tiến để năm 2023 tiếp tục xây dựng. Trường hợp không được phê duyệt vẫn sẽ triển khai trong năm tới.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Tuấn Long – Cán bộ Tổ quản lý trật tự xây dựng UBND phường Minh Khai chia sẻ: Mong muốn các cấp Thành phố tạo điều kiện để chủ đầu tư được phê duyệt chuyển đổi công năng, dự án sớm được đưa vào sử dụng đúng mục đích, nhanh chóng và đạt hiệu quả như đề ra ban đầu.
Có thể nói, câu chuyện giải quyết hàng loạt các dự án chậm tiến độ tại Thành phố Hà Nội đang là một bài toán nan giải và cần sự chung tay vào cuộc của các Sở, ban, ngành trong công tác nghiên cứu, phê duyệt dự án. Từ đó, mới có cơ chế hợp lý, khách quan, phù hợp tạo điều kiện để các chủ đầu tư sớm có cơ hội quay lại triển khai xây dựng như dự kiến ban đầu.
Nguồn: Báo xây dựng