Hà Tĩnh xử phạt trang trại chăn nuôi gần 240 triệu đồng do xả thải vượt quy chuẩn

Theo đó, trang trại nuôi lợn của ông Trần Hữu Cần tại xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh đã thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

Ngoài ra, trang trại đã xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp lưu lượng nước thải từ 05 m3/ngày đến dưới 10 m3/ngày (24h).

Cụ thể, tổng Coliform vượt 163,3 lần, tổng N vượt 12,2 lần, nhu cầu oxy sinh học (BOD5) vượt 12,4 lần, nhu cầu oxy hóa học (COD) vượt 6,7 lần, tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt 3,2 lần so với QCVN 62-MT:2016/BTNMT về nước thải chăn nuôi số tại cột A giá trị Cmax với kq=0,9, kf=1,3 theo kết quả phân tích mẫu nước thải số 219/2024/PTN/T&T ngày 28/8/2024 của Công ty Cổ phần Tài nguyên Môi trường T&T.

Với những lỗi vi phạm trên, ông Trần Hữu Cần đã bị UBND tỉnh Hà Tĩnh xử phạt tổng số tiền là 237,5 triệu đồng. Ngoài xử phạt tiền, ông Trần Hữu Cầu buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong vòng 60 ngày.

Tình trạng các trang trại xả thải trái phép ra môi trường gây bức xúc cho người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ảnh: tienphong.vn

Trước đó, vào tháng 8/2024 UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 285 triệu đồng đối với Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Hoàng Phát tại xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh do ông Phan Công Vũ làm chủ.

Trong đó, xử phạt 160 triệu đồng với hành vi không có giấy phép môi trường theo quy định; phạt 125 triệu đồng với hành vi gây ô nhiễm nguồn nước mặt đối với hàm lượng chất gây ô nhiễm có thông số môi trường thông thường vượt ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật 10 lần trở lên. Tổng mức phạt các vi phạm là 285 triệu đồng.

Ngoài ra, theo quyết định xử phạt, trang trại lợn của ông Phan Công Vũ còn bị đình chỉ hoạt động 9 tháng; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong 60 ngày và chi trả kinh phí phân tích mẫu nước mặt cho ngành chức năng theo quy định.

Theo TS Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện nay kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi đã và đang được quan tâm, chính quyền và người dân cùng chung tay thực hiện, đây cũng là quy luật, bước đi tất yếu để chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp cơ sở chăn nuôi bằng nhiều hình thức nhất là đối với chăn nuôi tập trung, cơ sở đã nằm trong vùng quy hoạch tạo sự chuyển biến rõ nét về việc tuân thủ pháp luật, đảm bảo xử lý môi trường, an toàn dịch bệnh khi tham gia vào quá trình chăn nuôi hoặc xây dựng cơ sở sản xuất giết mổ, sơ chế, chế biến. Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng chăn nuôi công nghệ cao trong xu thế hội nhập thế giới trong đó ưu tiên tập trung nguồn lực, nhân lực cho các doanh nghiệp xây dựng liên kết chuỗi, có công nghệ xử lý môi trường tái chế, sản xuất các chất thải để phục vụ lại cho phát triển chăn nuôi trồng trọt. Nhân rộng các mô hình điển hình đã làm tốt, hiệu quả về tái chế chất thải thời gian qua, đi tắt, đón đầu các công nghệ mới tiên tiến về sản xuất tái chế chất thải chăn nuôi.

Ngoài ra, TS Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, cần đẩy mạnh hơn nữa các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nhất là những nội dung về phát triển kinh tế tuần hoàn, lợi thế khi thực hiện để có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của người chăn nuôi, người tiêu dùng.

QCVN 62-MT:2016/BTNMT về nước thải chăn nuôi

QCVN 62-MT:2016/BTNMT quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải. Theo công thức

Cmax = C x Kq x Kf

Trong đó:

– Cmax là giá trị tối đa cho phép của thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải;

– C là giá trị của thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi quy định tại mục 2.1.2;

– Kq là hệ số nguồn tiếp nhận nước thải quy định tại mục 2.1.3 ứng với lưu lượng dòng chảy của sông, suối, khe, rạch, kênh, mương;dung tích của hồ, ao, đầm, phá; mục đích sử dụng của vùng nước biển ven bờ;

– Kf là hệ số lưu lượng nguồn thải quy định tại mục 2.1.4 ứng với tổng lưu lượng nước thải của các cơ sở chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải.

Áp dụng giá trị tối đa cho phép Cmax = C (không áp dụng hệ số Kq và Kf) đối với thông số pH và tổng coliform; Nước thải chăn nuôi xả ra hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung thì áp dụng giá trị Cmax = C quy định tại cột B, Bảng 1.

 Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích