Hà Tĩnh: Triển khai thực hiện về năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm ATTP
Hà Tĩnh: Triển khai thực hiện về năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm ATTP
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Kế hoạch Số 392/KH-UBND về triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 – 2030.
Theo đó, Kế hoạch được ban hành nhằm mục tiêu xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, từng bước đến hình thành các vùng an toàn dịch bệnh phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu; Bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP) trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật; Kiểm soát thuốc, vắc xin thú y bảo đảm đạt chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật, an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc. Đồng thời, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý chuyên ngành thú y nhằm góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao các sở, ban, ngành liên quan tổ chức, phối hợp thực hiện.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đối với kế hoạch tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai đoạn 2023 – 2030. Đối với kế hoạch tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật, giai đoạn 2023 – 2030. Tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các lực lượng cán bộ chuyên môn địa phương để triển khai các nội dung của Kế hoạch.
Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai quy định về phòng chống kháng thuốc, chia sẻ kịp thời thông tin về kháng thuốc trong y tế. Tăng cường các biện pháp ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán kháng sinh trong y tế để sử dụng trong nông nghiệp.
Sở Tài chính: Hàng năm, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh phương án kinh phí thực hiện Kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách.
Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển để thực hiện Kế hoạch.
Sở Công Thương: Phối hợp, chia sẻ thông tin với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý ATTP trong chuỗi cung ứng thực phẩm có nguồn gốc động vật. Chủ động nghiên cứu thị trường các nước, thúc đẩy giới thiệu quảng bá các sản phẩm động vật thông qua các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.
Sở Thông tin và Truyền thông: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan để hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức triển khai Kế hoạch, bảo đảm phù hợp, đáp ứng mục tiêu, giải pháp phù hợp mục tiêu phát triển chính quyền điện tử tỉnh Hà Tĩnh.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã: Xây dựng Kế hoạch của địa phương để tổ chức thực hiện, bảo đảm đạt được các mục tiêu của Kế hoạch.
Cơ sở, chuỗi chăn nuôi gia súc, gia cầm: Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chăn nuôi (sau đây gọi chung là doanh nghiệp chăn nuôi) có nhu cầu chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn thú y các cấp và các đơn vị liên quan của địa phương.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm có nguồn gốc động vật và các cá nhân liên quan: Xây dựng và bố trí kinh phí, nhân sự để triển khai các chương trình giám sát theo nội dung được phê duyệt tại Kế hoạch này. Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị từng công đoạn của chuỗi sản xuất, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về ATTP.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị