Hà Tĩnh: Triển khai đồng bộ giải pháp chống khai thác hải sản trái phép
Hà Tĩnh: Triển khai đồng bộ giải pháp chống khai thác hải sản trái phép
Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cấp bách để chống khai thác hải sản bất hợp pháp nhằm chung tay gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.
Nghi Xuân là địa phương có nhiều lợi thế về đánh bắt hải sản và có đội tàu khai thác thuộc diện lớn nhất toàn tỉnh (723 chiếc) nên việc triển khai các biện pháp, giải pháp để chống khai thác bất hợp pháp luôn được quan tâm.
Với quyết tâm chung tay gỡ “thẻ vàng”, huyện ven biển này đã tập trung 4 nhiệm vụ trọng tâm là: lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU; tăng cường thông tin, tuyên truyền, tập huấn pháp luật; quản lý, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; kiểm tra tàu cá xuất nhập bến, tập trung xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… Với tinh thần vào cuộc đó, huyện có 9 xã ven biển này đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực về mọi mặt
Chị Ngô Thị Bích Thủy – công chức Phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Năm 2023, huyện Nghi Xuân đã kịp thời ban hành hơn 30 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đôn đốc công tác đấu tranh, ngăn ngừa, hạn chế khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo. Những thông tin, kiến thức pháp luật cần thiết đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các chủ tàu và đông đảo ngư dân qua nhiều hình thức. Tất cả các xã có biển đều kiểm tra, thống kê, rà soát tàu thuyền để thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, hạn chế tàu cá “3 không”. Các hành vi đánh bắt trái luật đã bị phát hiện, xử lý nghiêm với 12 vụ/12 phương tiện, xử phạt hành chính gần 260 triệu đồng…”.
Không chỉ có Nghi Xuân mà tất cả các huyện ven biển từ Bến Thủy đến Đèo Ngang đều quan tâm vào cuộc tích cực, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, khai thác không báo cáo. Đồng hành cùng chính quyền địa phương, 2.735 tàu cá và hàng ngàn ngư dân, ngành thủy sản cũng đã phát huy vai trò nòng cốt, trách nhiệm chính của mình để hướng tới mục tiêu chung, nhất là việc khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong triển khai các giải pháp phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lưu Quang Cần cho biết: “Chúng tôi đã tập trung làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 15/3/2023 về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2023 và các văn bản, kế hoạch khác có liên quan.
Cùng với đó, ngành cũng đã thực hiện tốt các nhiệm vụ khác như lắp đặt thiết bị VMS cho 90/90 tàu cá hoạt động vùng khơi, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản đạt 93%, đánh dấu tàu và kẻ vẽ biển số đúng quy định 2.735/2.735 tàu và phối hợp thực hiện hàng trăm lượt tuần tra, kiểm soát trên biển, cửa sông, cửa lạch…
Là một trong những lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật trên biển, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cũng luôn tích cực vào cuộc để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng đánh bắt sai quy định. Trong năm, các đơn vị biên phòng tuyến biển đã phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện tuần tra trên biển 64 đợt/508 lượt CBCS tham gia và tuần tra vùng cửa sông, cửa lạch 1.106 đợt/4.400 lượt CBCS tham gia.
Qua đó đã kịp thời phát hiện, xử lý 26 vụ/29 tàu cá vi phạm các quy định đánh bắt (chủ yếu tàu giã cào đánh bắt sai vùng) với số tiền xử phạt hành chính gần 562 triệu đồng, đẩy đuổi hàng trăm tàu cá vi phạm khác.
Sự vào cuộc đó của các cấp, ngành, địa phương đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của ngư dân Hà Tĩnh. Năm nay, trên địa bàn tỉnh không có tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, chưa phát hiện các đường dây, tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Ngư dân Nguyễn Đức Đại ở xã Thạch Long, huyện Thạch Hà (chủ tàu HT 09493TS) chia sẻ: “Được các cấp, ngành tuyên truyền, nhắc nhở, răn đe thường xuyên nên ngư dân chúng tôi đã ý thức hơn đến việc bảo vệ ngư trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bà con cũng hiểu rằng, để sản xuất ổn định, khai thác tài nguyên lâu dài, không bị cộng đồng quốc tế cấm vận hay lên án thì phải quan tâm chuyển đổi nghề theo hướng thân thiện với môi trường, không sử dụng chất cấm để khai thác, phải đánh bắt đúng vùng, đúng tuyến và phải khai báo chính xác, báo cáo kịp thời…”.
Minh Ngọc (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị