Hà Tĩnh: Tập trung ứng phó với tình hình mưa lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh

(Xây dựng) – Trước tình hình mưa lớn dẫn đến nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên các khu vực trong tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh vừa có công điện khẩn về việc tập trung ứng phó với tình hình mưa lớn diễn ra trên địa bàn.

ha tinh tap trung ung pho voi tinh hinh mua lon dien ra tren dia ban tinh
Mưa lớn từ hôm qua đã khiến nhiều tuyến đường ở thành phố Hà Tĩnh ngập sâu.

Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã:

Ngay trong đêm 9/9 tổ chức thường trực, giao các phòng, ban đơn vị trực thuộc kiểm tra và triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ lớn có thể xảy ra; tuyệt đối không được có tư tưởng chủ quan, lơ là; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra các tình huống trên địa bàn mà không được kiểm soát.

Tổ chức rà soát các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng ứng cứu nếu có tình huống thiên tai xảy ra ác liệt. Phân công cán bộ theo dõi cụ thể, chủ động triển khai các phương án ứng phó phù hợp, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đang thi công dang dở, đề phòng mưa lớn gây sạt lở, làm ách tắc giao thông; cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, như: Ngầm qua suối, đường bị ngập sâu, bến đò ngang, đò dọc… nghiêm cấm đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân; tránh lơ là, chủ quan trong mưa, lũ để xảy ra những tai nạn chết người do bất cẩn.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh: Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động chi viện cho các địa phương để ứng phó với thiên tai khi có lệnh.

Các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án: Chỉ đạo các nhà thầu đang thi công các công trình huy động lực lượng, xe máy tập trung thường trực tại hiện trường để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và công trình.

Chủ các công trình thủy lợi, thủy điện: Triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho các công trình theo phương án đã duyệt, điều tiết hồ chứa hợp lý để vừa đảm bảo an toàn cho công trình, vùng hạ du và vừa đảm bảo tích nước phục vụ sản xuất, phát điện.

Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ngành, tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh: Theo chức năng nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai một cách có hiệu quả.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích