Hà Tĩnh: Sẵn sàng phương án di dời hộ dân khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn
(Xây dựng) – Trước tình hình bão số 4 ảnh hưởng gây mưa lớn, có nguy cơ ngập lụt cao, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đã sẵn sàng phương án di dời các hộ dân vùng thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở đất ven sông, chân núi và hạ du các hồ chứa nước đến nơi an toàn.
Chủ tich UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải kiểm tra thực tế và chỉ đạo trực tiếp công tác ứng phó với mưa lũ trước cơn bão số 4 tại thị xã Kỳ Anh. |
Tại thị xã Kỳ Anh, chính quyền địa phương đã lên phương án di dời hơn 1.400 hộ dân ở các vùng ngập lụt, sạt lở đến nơi tránh trú an toàn. Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã lên phương án sẵn sàng di dời 1.409 hộ dân với 4.080 nhân khẩu ở các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn. Các hộ dân ở vùng nguy hiểm sẽ được di dời lên các trường học, nhà văn hóa thôn để đảm bảo an toàn. Hiện, UBND thị xã đã yêu cầu nhân dân chặt tỉa cây xanh, chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn. Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn thị xã cũng đã túc trực 24/24h, thường xuyên liên hệ với các địa phương để kịp thời xử lý những tình huống xảy ra.
Lên phương án sơ tán người dân khỏi những vùng nguy hiểm, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ ngập lụt và sạt lở. |
Trong khi đó, trên địa bàn huyện Thạch Hà có 2.259 hộ dân, 6.389 nhân khẩu ở các xã: Nam Điền, Lưu Vĩnh Sơn, Ngọc Sơn, Tượng Sơn, Thạch Thắng, Tân Lâm Hương, Thạch Đài, Thạch Liên, Thạch Ngọc, Đỉnh Bàn… cần di dời về nơi an toàn khi mưa lớn dài ngày, nước dâng cao. Đây là những địa bàn nằm ở các vùng thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở đất ven sông, chân núi và hạ du các hồ chứa nước.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các địa phương sẵn sàng phương tiện, nhân lực, các trang thiết bị để thực hiện ngay công tác cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống khẩn cấp và sơ tán nhân dân vùng ngập lụt cao đến nơi tránh trú an toàn.
Hiện tại, Thạch Hà đã sẵn sàng phương tiện, nhân lực với 431 tàu thuyền (ca nô, xuồng, thuyền máy) 3.491 áo phao, 1.054 phao cứu sinh tại huyện và tại các xã, thị trấn để thực hiện sơ tán người dân đến các địa điểm an toàn.
Mưa lớn cùng gió mạnh đã bước đầu gây thiệt hại cho các địa phương trên địa bàn tỉnh. |
Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính tới sáng 19/9, trong 3.651 tàu, thuyền với 10.666 lao động thì 3.650 phương tiện/10.661 lao động đang neo đậu tại các bến bãi.
Theo thống kê, mưa to, gió lớn trong 2 ngày vừa qua đã gây thiệt hại ban đầu cho các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tại xã Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên) có 36 công trình nhà ở, công trình phụ trợ bị tốc mái, 10 cột đèn đường, 50 cây bị gãy đổ; xã Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên) có 3 nhà bị tốc mái. Tại huyện Can Lộc, 1 hộ dân ở xã Sơn Lộc bị tốc mái, 2 cột điện ở xã Quang Lộc bị đổ gãy. Tại huyện Lộc Hà có 2 ngôi nhà bị cùng 10 mái che nhà dân ở xã Thịnh Lộc bị ảnh hưởng.
Lúc 11h ngày 19/9, tại xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) có 14 nhà dân bị tốc mái. Ngay sau khi xảy ra sự cố, lực lượng bộ đội biên phòng, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai và ngành chức năng địa phương đã nhanh chóng hỗ trợ người dân, khắc phục thiệt hại do dông lốc gây ra.
Nguồn: Báo xây dựng