Hà Tĩnh: Nhiều bãi rác quá tải, người dân nguy cơ sống chung với ô nhiễm
Hà Tĩnh: Nhiều bãi rác quá tải, người dân nguy cơ sống chung với ô nhiễm
Theo dõi MTĐT trên
Hà Tĩnh có nhiều điểm tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung đã quả tải khiến người dân ngăn không cho tiếp tục sử dụng. Tình trạng này dẫn đến rác không được thu gom, gây ùn ứ trên các tuyến đường, chợ, trường học…
Xử lý rác thải bằng giải pháp tạm thời…?
Theo tìm hiểu, trong số hàng chục điểm tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, hiện có một số bãi rác đã quá tải. Nguyên nhân do thời gian đưa vào sử dụng đã lâu, chủ yế bằng hình thức chôn lấp, không đảm bảo môi trường.
Tại huyện Lộc Hà, hiện có bãi rác tại thôn Thượng Phú, xã Hồng Lộc, có diện tích 5 ha, hoạt động từ năm 2015. Đây là bãi rác duy nhất thu gom, xử lý rác cho tất cả 12 xã thị trấn trên địa bàn.
Do chỉ xử lý bằng hình thức chôn lấp và tập kết lộ thiên, qua nhiều năm, lượng rác của cả huyện dồn về tồn đọng rất lớn bốc mùi hôi thối, nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Ông Phan Tiến Dũng, Trưởng phòng TNMT huyện Lộc Hà cho biết: “Bãi rác Hồng Lộc quá tải dù huyện đã chỉ đạo đơn vị quản lý và vận hành bãi rác thực hiện việc san ủi, lấp đất để tạo khoảng trống cho việc tiếp tục thu gom xử lý rác mới. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chỉ đáp ứng một thời gian ngắn, còn về lâu dài, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định về chủ trương cho một doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác”.
Mặc dù vậy, do khối lượng rác tập kết về nhiều nên thời gian qua bãi rác Hồng Lộc xảy ra quá tải, rác chậm được chôn lấp đã ảnh hưởng đến môi trường khến người dân rất bức xúc và lo lắng. Phía chính quyền địa phương cũng đứng ngồi không yên, mong muốn các cơ quan, các ngành tạo mọi điều kiện tốt nhất để sớm tiến hành xây dựng bãi rác lớn hơn đảm bảo môi trường.
Tại huyện Nghi Xuân hiện có hai điểm tập kết, xử lý rác ở xã Cương Gián và xã Xuân Thành. Ông Lê Hữu Phong, Chuyên viên phòng TNMT huyện Nghi Xuân, cho biết, bãi rác ở xã Cương Gián phục vụ thu gom và xử lý rác cho 6 xã, bãi rác ở xã Xuân Thành thu gom và xử lý rác cho 11 xã, thị trấn.
Hai cơ sở xử lý rác này có tổng công suất 1,7 tấn/giờ, tương đương với việc xử lý khoảng 35 tấn rác trên địa bàn toàn huyện trong một ngày. Hiện nay hai cơ sở này đang quá tải, tồn đọng với khối lượng rất lớn.
Hà Tĩnh hiện có 12 khu xử lý rác thải đang hoạt động với các loại hình công nghệ (03 nhà máy, 04 bãi chôn lấp, 05 lò đốt độc lập), tổng công suất thiết kế là 669,25 tấn/ngày. Tuy nhiên, công suất thực tế chỉ đạt khoảng 371,6 tấn/ngày; chủ yếu là công nghệ đốt “- Ông Phan Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh
Riêng bãi tập kết, xử lý rác ở xã Xuân Thành có diện tích 1,2ha, bắt đầu hoạt động từ năm 2014 với hình thức chôn lấp và tập kết lộ thiên. Đến năm 2017, vì lượng rác quá tải nên được đầu tư xây dựng thêm lò đốt. Tuy nhiên, lò đốt chỉ có công suất 16 tấn/ngày, trong khi đó lượng rác gom về khoảng 21 tấn/ngày nên không thể xử lý hết được.
Được biết, huyện Nghi Xuân đã ban hành đề án phân loại rác và xử lý rác hữu cơ tại nguồn, nhằm mục đích giảm thiểu lượng rác phát sinh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đang xây dựng đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh với quy mô diện tích lớn hơn và áp dụng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động còn phải mất thời gian khá dài mà theo người dân phản ánh thì chưa biết đến bao giờ.
Huyện đạt chuẩn NTM cùng cảnh ngộ
Năm 2020, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Vậy nhưng, cũng chính từ thời điểm này, vấn đề rác thải trở nên bức bí hơn bao giờ hết khi bãi rác tập trung Phượng Thành của toàn huyện trở nên quá tải.
Trước tình hình đó bãi rác đã nhiều lần phải đóng cửa, lượng rác ùn ứ trên địa bàn dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của người dân. Để giải quyết tình thế, huyện Đức Thọ đã tổ chức vận chuyển rác đến nhà máy xử lý của Công ty Phú Hà ở huyện Kỳ Anh để xử lý nhưng đây cũng chỉ là nỗ lực tạm thời, không thể duy trì thường xuyên và lâu dài.
Được biết, giá hợp đồng xử lý rác thải hiện nay là 1,4 triệu đồng/ tấn. Trong khi mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Đức Thọ từ 35 – 45 tấn, đồng nghĩa huyện phải chi ngân sách hàng chục triệu đồng mỗi ngày nếu muốn vận chuyển xử lý.
Ông Nguyễn Hữu Thọ- Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ cho hay: “Thực tế đã cho thấy đây là giải pháp không khả thi về lâu dài, bởi lẽ đang tạo áp lực rất lớn và không thể duy trì thường xuyên do chi phí phát sinh quá lớn. Hệ quả, nhiều địa phương phải chấp nhận tình trạng rác thải ùn ứ, xử lý tại chổ bằng cách đốt khiến cho môi trường càng ô nhiễm, nỗi lo của người dân mỗi ngày lớn dần lên”.
Trên các tuyến đường của thôn Ngọc Lâm, xã Lâm Trung Thủy, tình trạng rác vứt ngổn ngang diễn ra khá phổ biến. Theo người dân, khu vực này là nơi tập kết rác để đưa đi xử lý nhưng do không được đưa đi hết nên những bao rác tồn đọng cứ án ngữ ngày này qua ngày khác.
Tương tự diễn ra ở nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Đức Thọ. Chứng kiến những hình ảnh rác buộc phải đổ tràn ra đường, nhiều chỗ phân hủy bốc mùi hôi thối ở khiến người dân không khỏi bức xúc. Mặt khác, không có xe đưa đi xử lý nên cảnh tượng người dân đốt rác ngay bên lề đường không còn xa lạ.
Ông Thái Sơn Vinh, Trưởng phòng TN&MT huyện Đức Thọ cho biết : “Để giảm áp lực cho vấn đề rác thải hiện nay trên địa bàn, huyện đã chủ động thực hiện kế hoạch tuyên truyền vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, bên cạnh đó hỗ trợ bằng chính sách xây dựng mô hình xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm sinh học làm phân vi sinh. Với cách làm này, trong gần ba đã xây dựng được gần năm nghìn mô hình xử lý rác trên toàn huyện ”.
“Huyện Đức Thọ đang chờ đợi đề án xử lý rác thải của tỉnh sớm được triển khai. Cùng với đó là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Đây là giải pháp lâu dài và bền vững nhất để xử lý hiệu quả nguồn rác thải sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân”, ông Thái Sơn Vinh Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ nói.
Số liệu thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho thấy, năm 2021 lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh 716 tấn/ngày (đô thị 199,3 tấn/ngày chiếm 27,8%, nông thôn 516,7 tấn/ngày chiếm 72,2%). Lượng rác được thu gom, vận chuyển để xử lý 505,5 tấn/ngày, đạt 70,6% so với lượng phát sinh (ở nông thôn đạt 65,9%; đô thị đạt 82,7%).
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị