Hà Tĩnh: Ki – ốt kinh doanh “biến hình” thành nhà ở kiên cố
Theo đó, từ năm 1996 đến năm 1998 xã Đức An nay là xã An Dũng có tổ chức cho đấu thầu 16 kiốt, với diện tích từ 24 đến 70m2 và đầu năm 2000 giao thêm 1 ki-ốt cho một hộ dân khác để bán hàng vô thời hạn. Điều đáng nói ở đây là sau thời gian thuê dài, 10/17 ki-ốt này đã được hô biến thành những căn nhà cao tầng, kiên cố mà không gặp bất cứ cản trở nào từ phía cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Anh T người dân xã An Dũng nói: “Chúng tôi là những người dân gốc ở đây, thế nhưng để xây dựng một ngôi nhà hoặc bất cứ một công trình nào trên địa bàn xã đều phải báo cáo với chính quyền địa phương để làm các thủ tục liên quan xin phép xây dựng, thế nhưng những hộ gia đình sử dụng ki-ốt buôn bán đập bỏ để xây dựng những ngôi nhà hai tầng khang trang, kiến cố trong một thời gian dài mà không thấy phải bất cứ thực hiện thủ tục chuyển đổi, hoặc giấy tờ có liên quan nào không thấy chính quyền địa phương xử lý, đình chỉ và cưỡng chế đập bỏ theo quy định của pháp luật”.
Bên cạnh những ngôi nhà hai tầng được xây dựng từ lâu thì có những ngôi nhà mới xây cuối năm 2021, năm 2022 nhưng UBND xã An Dũng không kịp thời xử lý.
Theo Phó Chủ tịch xã An Dũng, ông Phan Trung Kiên cho biết: “Từ năm 1996 đến 1998 các ki-ốt này được xã giao cho các hộ dân vô thời hạn dùng để kinh doanh buôn bán, thế nhưng hiện tại có 9 hộ đã chuyển qua xây dựng nhà ở, có những hộ xây dựng từ cuối năm 2000, có những hộ thì mới xây dựng từ năm 2021, 2022. Họ tự ý xây dựng chứ không hề có giấy tờ và không báo cáo xin phép chính quyền địa phương. Xã cũng đã ra lập biên bản sự việc và báo cáo lên huyện để xin hướng xử lý?!”
Để lý giải cho việc tại sao lại để cho sai phạm mới chồng sai phạm cũ, ông Kiên nói: “Vì trước đây đã có những hộ dân xây dựng rồi, nên bây giờ những hộ khác bảo họ làm được thì chúng tôi cũng làm được, khiến cho xã không thể xử lý và đình chỉ”.
Sau khi phát hiện một hộ gia đình đổ móng làm nhà, UBND xã An Dũng đã lập đoàn đi kiểm tra vào ngày 27/7/2022. Thế nhưng thay vì lập biên bản đình chỉ, yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm thì trở thành biên bản cam kết có nội dung: “Yêu cầu gia đình sử dụng đất đúng theo giấy cấp đất đối với mục đích là xây ốt kinh doanh. Không được xây dựng công trình kiên cố. Nếu gia đình xây dựng công trình kiên cố thì sẽ bị xử lý theo các quy định của Nhà nước có liên quan. Sau này khi Nhà nước thu hồi để giải phóng mặt bằng thì gia đình không được hỗ trợ đền bù công trình đã xây dựng”.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu