Hà Tĩnh: Khẩn trương triển khai ứng phó trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3
(Xây dựng) – Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Yagi), nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang bám sát thông tin về bão và tập trung cao cho công tác ứng phó.
Huyện Nghi Xuân chủ động triển khai nhiều phương án phòng chống siêu bão số 3. |
Tại huyện Lộc Hà, đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch UBND huyện cùng đoàn đã đi kiểm tra tại đê tả nghèn đoạn Thạch Châu – thị trấn Lộc Hà, xã Thịnh Lộc, Tân Lộc và Hồng Lộc. Tại các điểm đến, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của các địa phương chủ động theo dõi diễn biến phức tạp của thời tiết, có phương án kịp thời không để tình huống bị động; khẩn trương thu hoạch xong diện tích lúa hè thu; chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ để ứng phó với bão, lũ nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về sản xuất và đời sống của nhân dân.
Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các địa phương trong huyện, cần tập trung tuyên truyền để người dân cảnh giác đối phó với thiên tai, đặc biệt không được chủ quan với mưa, bão tránh thiệt hại về người và tài sản do mưa lớn, sạt lở đất gây ra. Đồng thời, tiến hành rà soát, bổ sung các phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.
Kiểm tra tại công trình bara Đò Điệm (huyện Lộc Hà), Đoàn công tác yêu cầu ban quản lý theo dõi mực nước, đảm bảo bara đóng xả an toàn không để ảnh hưởng gây ngập úng. |
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, thị xã Kỳ Anh đã triển khai các biện pháp ứng phó như: Kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt và sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời.
Theo kết quả rà soát của chính quyền địa phương, toàn thị xã Kỳ Anh có 1.290 tàu, thuyền đã vào nơi tránh trú an toàn. Trong đó, có 45 tàu ở ngoài địa bàn (16 tàu neo đậu tại Quảng Ninh, Hải Phòng; 13 tàu neo đậu tại các khu neo đậu của thành phố Đà Nẵng, Bình Thuận; 16 tàu neo đậu tại các khu neo đậu tại khu neo đậu Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), Cửa Giang (tỉnh Quảng Bình); các tàu, thuyền nhỏ tại địa bàn đã được kéo vào bờ.
Qua thống kê từ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Tiểu ban an toàn nghề cá, các địa phương, các tổ đồng quản lý nghề cá, hệ thống giám sát hành trình, tính tới trưa 6/9, 3.056 phương tiện tàu thuyền đánh bắt trên biển với 9.740 lao động của tỉnh đã nắm được thông tin về bão số 3 và đã vào nơi tránh trú hoặc di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão.
Trong số 3.056 phương tiện đánh bắt trên biển, có 2.320 tàu cá (9.351 lao động) dài trên 6m trở lên, hiện đã có 2.284 tàu cá/9.153 lao động đã về bờ neo đậu an toàn; 36 tàu cá/198 lao động đang hoạt động trên biển, nhưng ngoài vùng ảnh hưởng của bão số 3.
Đến nay, 3.056 tàu thuyền của Hà Tĩnh vào nơi tránh trú, di chuyển tới vùng an toàn. |
Tại các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh có 474 tàu thuyền đang neo đậu. Ban Quản lý các cảng đã phối hợp với chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng kiểm tra, kiểm soát và sắp xếp các tàu cá vào neo đậu an toàn. Trong đó, tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Sót có 195 phương tiện, khu neo đậu tránh trú bão Cửa Nhượng 71 phương tiện, khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội – Xuân Phổ có 38 phương tiện và khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu – Kỳ Hà có 170 phương tiện.
Tại huyện Đức Thọ, UBND huyện tổ chức cuộc họp khẩn để triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3 và tình hình mưa bão trên địa bàn trong những ngày tới. Để chủ động ứng phó với bão, Chủ tịch UBND huyện Trần Hoài Đức yêu cầu: Đối với các địa phương, phòng, ngành tuyệt đối không chủ quan lơ là, tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của bão để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” theo nhiệm vụ, không để bị động, bất ngờ. Khẩn trương huy động tối đa máy móc, nhân lực để tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu 2024. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát ngay tất cả các vị trí có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh có hiệu quả; đặc biệt lưu ý xây dựng phương án sơ tán 7 hộ với 20 nhân khẩu tại khu vực Rú Dầu xã Hòa Lạc, 1 hộ với 2 nhân khẩu tại chân cầu treo thôn Vĩnh Yên xã Đức Lạng khi có tình huống khẩn cấp…
Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian mưa bão, lũ lớn để đảm bảo an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão, lũ nếu xảy ra tại địa phương, hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra.
Huyện Nghi Xuân đã chỉ đạo các địa phương cùng nhân dân chủ động, không được chủ quan lơ là trước diễn biến phức tạp của bão. Đặc biệt, các địa phương ven biển hỗ trợ bà con nhân dân chủ động sơ tán các tàu thuyền về nơi an toàn. Tại xã Xuân Hội, đến thời điểm này tổng số 57 tàu thuyền và 30 mủng, 6 tàu đánh bắt xa bờ đã được ngư dân đưa vào nơi tránh trú, neo đậu an toàn. Xã Xuân Yên có 212 thuyền đánh cá, hiện nay chính quyền địa phương đã chỉ đạo và vận động bà con ngư dân kéo thuyền lên bến bãi neo đậu an toàn.
Nguồn: Báo xây dựng