Hà Tĩnh đẩy mạnh hoạt động an toàn bức xạ và đo lường trong y tế

Để ứng dụng đồng vị phóng xạ có hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị, vấn đề cần được quan tâm đúng mức đó là an toàn bức xạ. An toàn cho bệnh nhân, cho nhân viên y tế và cho cộng đồng. Mỗi người trước khi làm việc với phóng xạ cần nắm được bản chất của bức xạ ion hóa, tác dụng sinh học của chúng, nắm được các khái niệm về liều cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn bức xạ.

Do đó theo quy định, các cơ sở y tế chỉ tiến hành các hoạt động khám, chữa bệnh khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và các phương tiện đo nhóm 2 đang còn hiệu lực kiểm định, hiệu chuẩn định kỳ. Nhận thức được tầm quan trọng này, thời gian qua, Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và đo lường đối với các cơ sở y tế khám chữa bệnh trên địa bàn.

 Hà Tĩnh đẩy mạnh hoạt động an toàn bức xạ và đo lường trong lĩnh vực y tế. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Xuân Kiên – Chánh Thanh tra Sở KH&CN cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay, Sở KH&CN chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh, UBND các địa phương tổ chức 2 cuộc thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn bức xạ và hạt nhân, về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 tại 34 cơ sở y tế (14 cơ sở y tế công lập và 20 cơ sở y tế tư nhân). Qua thanh tra, đoàn đã phát hiện và xử phạt nghiêm đối với 10 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 125 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm chủ yếu về các hành vi tiến hành công việc bức xạ khi giấy phép hết hạn sử dụng dưới 30 ngày và trên 30 ngày; không trang bị liều kế cá nhân cho nhân viên bức xạ; không tổ chức đánh giá liều chiếu xạ cá nhân cho nhân viên bức xạ ít nhất một lần trong 3 tháng; không tổ chức đào tạo kiến thức an toàn bức xạ, hạt nhân cho nhân viên bức xạ theo quy định; để liều chiếu xạ đối với công chúng vượt quá liều giới hạn theo quy định; sử dụng phương tiện đo nhóm 2 không có chứng chỉ kiểm định (tem, giấy chứng nhận)…

Thực tế trang thiết bị y tế được dùng trong công tác chuẩn đoán và điều trị bệnh nhân của Việt Nam phần lớn được nhập khẩu từ nước ngoài, đã đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và được lưu hành. Tuy nhiên, việc kiểm định thiết bị y tế trong quá trình sử dụng chưa thường xuyên có thể dẫn đến những tác hại khó lường, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả xét nghiệm, chẩn đoán ban đầu cho người bệnh và khiến bác sỹ đưa ra phác đồ điều trị sai gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Cũng liên quan tới hoạt động đo lường trong y tế, Viện Đo lường Việt Nam cho biết, đo lường lĩnh vực y tế hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của con người, đo lường là quá trình phổ biến trong các hoạt động phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị. Đo lường chính xác trong y tế tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân do đó vai trò đảm bảo đo lường chính xác trong y tế rất quan trọng. Nếu các kết quả đo lường thông qua các hoạt động chụp hình ảnh, xét nghiệm,… không chính xác. Kết quả thu được sẽ khó có thể chấn đoán được chính xác hoặc sẽ đưa ra pháp đồ điều trị không phù hợp với tình trạng của bệnh nhân. Dẫn đến, sẽ có quá trình điều trị sai, gây tốn kém, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.

Để giảm thiểu rủi ro, ngày 26/7/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2.

Thông tư quy định các nội dung bao gồm: Danh mục phương tiện đo, biện pháp kiểm soát về đo lường và chu kỳ kiểm định phương tiện đo; phê duyệt mẫu; kiểm định phương tiện đo. Trong đó có quy định một số phương tiện đo nằm trong danh mục phương tiện đo nhóm 2 sử dụng trong lĩnh vục y tế.

Cụ thể: máy đo điện tim, huyết áp kế, đồng hồ áp suất, cân,… nằm trong danh mục phải quản lý nhà nước về đo lường để đảm bảo tính chính xác của PTĐ, an toàn sức khỏe cho người dân cũng như được sử dụng để phục vụ công tác giám định sức khỏe.

Ngày 15/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 36/2016/NĐ-CP quy định việc quản lý trang thiết bị y tế. Đây là văn bản pháp lý cao nhất trong lĩnh vực trang thiết bị y tế hiện nay. Nội dung bao gồm: Phân loại trang thiết bị y tế; sản xuất, lưu hành, mua bán, cung cấp dịch vụ trang thiết bị y tế; thông tin, nhãn trang thiết bị y tế và quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế…Trong đó có quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 49 như sau: Việc kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế là phương tiện đo hoặc thiết bị bức xạ thực hiện theo quy định của pháp luật về đo lường và năng lượng nguyên tử.

Ngoài ra, ngày 31/12/2020, Bộ Y tế ban hành thông tư số 33/2020/TT-BYT quy định danh mục trang thiết bị y tế phải kiểm định an toàn và tính năng kỹ thuật, trong đó quy định: Máy thở; Máy gây mê kèm thở; Dao mổ điện; Lồng ấp trẻ sơ sinh; Máy phá rung tim; Máy thận nhân tạo phải kiểm định an toàn và tính năng kỹ thuật.

Do đó, để tăng cường công tác quản lý nhà nước và việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ, hạt nhân và phương tiện đo nhóm 2 trong y tế trên địa bàn, ông Kiên cho biết thêm, thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và cập nhật văn bản pháp luật mới về an toàn bức xạ và đo lường cho các tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị, thiết bị đo dùng trong y tế (danh mục phương tiện đo nhóm 2).

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành chức năng trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng x-quang y tế và thiết bị đo dùng trong y tế. Đặc biệt là sự phối hợp của Sở Y tế trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn bức xạ của các cơ sở y tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường và an toàn bức xạ, đặc biệt công tác đảm bảo an toàn bức xạ sau cấp phép, các điều kiện ghi trong giấy phép tiến hành công việc bức xạ…

An Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích