Hà Tĩnh: Đầu tư hơn chục tỷ đồng xây dựng nhà máy nước sạch nhưng “có cũng như không”

(Xây dựng) – Hơn 300 hộ dân vùng tái định cư Dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang đang sinh sống tại xã Thọ Điền và Quang Thọ (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) không có nguồn nước sạch để dùng, mặc cho gần nơi họ sống có hai nhà máy nước sạch được đầu tư hơn chục tỷ đồng. Và để có nước dùng hằng ngày, người dân đành phải sử dụng nguồn nước từ khe suối.

Hà Tĩnh: Đầu tư hơn chục tỷ đồng xây dựng nhà máy nước sạch nhưng “có cũng như không”
Hệ thống xử lý nước của nhà máy nước xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang bị hư hỏng bể lọc bằng bọt xốp và bằng cát nhiều tháng qua.

“Khát” nước sạch bên cạnh nhà máy nước tiền tỷ

Để nhường đất cho Dự án công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, năm 2013, hơn 130 hộ dân tại xã Hương Điền (nay là xã Thọ Điền) đã di dời lên khu tái định cư Khe Ná – Khe Gỗ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Tại nơi ở mới, nước giếng khoan bị nhiễm phèn, nhiễm sắt nặng nên người dân không có nước sạch để sử dụng.

Nhằm đảm bảo nguồn nước sạch, Ban chuyên trách bồi thường, hỗ trợ tái định cư công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang đã đầu tư xây dựng nhà máy nước với tổng mức hơn 8 tỷ đồng.

Hà Tĩnh: Đầu tư hơn chục tỷ đồng xây dựng nhà máy nước sạch nhưng “có cũng như không”
Hệ thống xử lý nước xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang cũng bị xuống cấp, hư hỏng nhưng không có kinh phí thay thế, sửa chữa.

Tháng 12/2017, công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau đó không lâu, công trình đã xảy ra tình trạng bị rò rỉ nguồn nước, hệ thống lọc còn nhiều tạp chất, nguồn nước dẫn từ đập chứa vào bể lọc khá bẩn, có mùi tanh.

Từ đó đến nay, dù sống cạnh nhà máy nước, hơn 130 hộ dân tại khu tái định cư không có nước sạch để dùng sinh hoạt hằng ngày. Vì không có nước máy để dùng, người dân đang sinh sống ở nơi đây phải tự khoan giếng để có nước sạch để uống và sinh hoạt. Nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết, nước lấy từ giếng khoan lại bị nhiễm phèn nặng, nếu muốn sử dụng họ lại phải làm thêm bể lọc để dùng, còn tắm giặt thì họ sử dụng nước từ khe suối.

Anh Trần Quang Đạt, người dân khu tái định cư Khe Ná – Khe Gỗ cho biết: Từ khi có nhà máy nước đi vào hoạt động, gia đình không sử dụng để sinh hoạt vì nước tại nhà máy không được đảm bảo, chỉ dùng để tưới cây, giặt đồ. Còn nước sinh hoạt phải dùng từ giếng khoan nhiễm phèn, nhưng cũng khan hiếm. Trong thời gian qua đã có nhiều đoàn về kiểm tra, nhưng chất lượng nguồn nước vẫn chưa được khắc phục.

Ông Nguyễn Hồng Minh, người vận hành nhà máy lọc nước Thọ Điền thông tin, sau khi chủ đầu tư xây dựng xong nhà máy và bàn giao cho xã quản lý, vận hành trực tiếp. Tuy vậy, chỉ một thời gian ngắn, thì một số hạng mục của nhà máy bị xuống cấp, hư hỏng nên việc cấp nước cho người dân không được đảm bảo.

Theo đó, nước mặt được lấy từ đập Khe Ná, qua ống dẫn về và được xử lý bằng hóa chất Clo rồi qua một bể bọt xốp, một bể cát sau đó dẫn về nhà dân. Tuy nhiên, mấy năm nay do xã không có kinh phí để mua hóa chất và thay hệ thống bọt xốp cũng như bể cát nên nước qua nhà máy gần như không được xử lý, không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, nguồn nước từ đập Khe Ná thời gian gần đây rất bẩn. Cùng đó, hệ thống đường ống dẫn nước có một số vị trí cao nên áp lực nước không đủ đẩy nước đến nhà dân.

Hà Tĩnh: Đầu tư hơn chục tỷ đồng xây dựng nhà máy nước sạch nhưng “có cũng như không”
Người dân đang tự xoay sở bằng cách góp tiền lắp đường ống dẫn nước từ khe suối về nhà, để chia nhau sử dụng.

Tương tự, tại Khu tái định cư Hói Trùng (xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang), 216 hộ dân sống bên cạnh nhà máy nước cũng luôn trong tình trạng bức bí, khát nước sạch.

Theo đó, nhà máy nước tại khu tái định cư này cũng do Ban chuyên trách Dự án hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 6 tỷ đồng và được đưa vào sử dụng từ năm 2017.

Ghi nhận tại nhà máy nước, dù công trình được đầu tư với nguồn vốn hơn 6 tỷ đồng nhưng nay các hạng mục, thiết bị ở đây bị xuống cấp, hư hỏng và không thể vận hành hiệu quả.

Ông Trần Thanh Hải, người vận hành nhà máy nước xã Quang Thọ cho biết: Công trình này đi vào hoạt động đã được hơn 6 năm. Thời gian một đến hai năm đầu thì nhà máy vẫn vận hành cấp nước, nhưng sau đó hệ thống máy móc bị xuống cấp. Hiện nay, máy móc hư hỏng gần như toàn bộ nên không thể hoạt động.

Hà Tĩnh: Đầu tư hơn chục tỷ đồng xây dựng nhà máy nước sạch nhưng “có cũng như không”
Bể lắng của Nhà máy nước xã Thọ Điền bị cỏ mọc che phủ.

Thiếu kinh phí bảo trì nên nhà máy không thể vận hành

Qua tìm hiểu của phóng viên, mỗi cụm dân cư khoảng 10 hộ dân sẽ chung nhau một đường ống lớn dẫn nước nguồn từ khe suối trên núi về rồi chia nhánh cho từng nhà. Có một số nhà phải kéo đường ống dài đến cả hàng trăm mét, để chủ động giải tỏa tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, trong khi nhà quản lý đang tìm cách khắc phục, sửa chữa 2 nhà máy nước nêu trên.

Hà Tĩnh: Đầu tư hơn chục tỷ đồng xây dựng nhà máy nước sạch nhưng “có cũng như không”
3/4 máy bơm tại Nhà máy nước xã Quang Thọ hiện đã hư hỏng, không hoạt động.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Hùng Cường – Chủ tịch UBND xã Quang Thọ cho biết: Tình trạng thiếu nước sạch không phải mới diễn ra trong thời gian gần đây, mà là “bài toán” nan giải từ nhiều năm nay trên địa bàn xã. Giếng đào không có nước, giếng khoan nhiễm phèn rất nhiều không sử dụng được. Nhà máy thì chỉ cung ứng nước được một thời gian ngắn, rồi hư hỏng, xuống cấp, hằng năm địa phương không có kinh phí duy tu, sửa chữa nên nhà máy không thể vận hành.

Trước mắt, chính quyền địa phương cũng đã đề nghị lên cấp trên hỗ trợ thêm kinh phí để sửa chữa một số hạng mục nhất định của nhà máy, qua đó để cấp nước đạt tiêu chuẩn cho các hộ gia đình ở xã trong thời gian sớm nhất có thể.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích