Hà Tĩnh cần quyết liệt hơn việc “gỡ rác” trên các đường điện ở đô thị

Hà Tĩnh cần quyết liệt hơn việc “gỡ rác” trên các đường điện ở đô thị

MTĐT –  Thứ ba, 31/08/2021 08:59 (GMT+7)

Mới đây UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quy định quản lý cáp viễn thông trên địa bàn để gắn trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan, đơn vị có liên quan.

Với nỗ lực xây dựng đô thị văn minh, củng cố các tiêu chí đô thị loại 2, nhiều tuyến đường ở thành phố Hà Tĩnh đã được nâng cấp, mở rộng theo thời gian. Thế nhưng, chỉ vì sự lộn xộn và thiếu đồng bộ trong hệ thống dây điện, dây thuê bao (gọi chung là rác trên đường điện đô thị) nên diện mạo nhiều nơi vẫn nhếch nhác.
Dọc các tuyến đường phố trong nội thành của thành phố Hà Tĩnh như: Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tự, Phan Đình Phùng… có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cột điện phải oằn mình “cõng” hàng chục loại dây, cáp quang, cáp truyền hình chồng chéo lên nhau tạo thành các búi to nhỏ như tổ chim, ở nhiều tuyến đường tình trạng dây mạng không sử dụng còn bị sà xuống nền đường. Điều này, không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ do chập điện, cản trở việc đi lại của người dân.
Ở nhiều địa bàn ven thành phố Hà Tĩnh, tình trạng bùng nhùng lưới điện, cáp viễn thông cũng diễn ra khá phổ biến. Tại khu vực thôn Liên Phú, xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh, hàng loạt dây mạng viễn thông dăng mắc nhằng nhịt đã trở thành nỗi bức xúc của người dân. Dù đã kiến nghị, đề xuất, xử lý, thế nhưng sự tiếp thu của các đơn vị liên quan vẫn hết sức chậm trễ.
Đại diện lãnh đạo UBND xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh thừa nhận: “Những phản ánh của người dân là hoàn toàn chính đáng. Hệ thống dây mạng chằng chịt khiến cho việc chỉnh trang các tuyến đường theo tiêu chí văn minh đô thị của địa phương gặp nhiều khó khăn. Tại nhiều cuộc họp Hội đồng nhân dân, chính quyền đã đề xuất, kiến nghị phối hợp với các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, thế nhưng việc giải quyết vẫn hết sức chậm trễ do vướng mắc trong công tác phối hợp”.
Tương tự thành phố Hà Tĩnh, hệ thống đường dây giăng như mạng nhện tập hợp của các loại dây điện sinh hoạt, dây điện thoại, dây truyền hình cáp, dây đường truyền ADSL… đang phổ biển ở hầu khắp các đô thị ở Hà Tĩnh. Thị xã Hồng Lĩnh, Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Thị trấn Cẩm Xuyên, Thị xã Kỳ Anh … đâu đâu cũng thấy các đường dây được chăng chồng chéo hết sức lộn xộn.
Được biết, Hà Tĩnh hiện có năm cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp viễn thông đã xây dựng được hệ thống hạ tầng kỹ thuật có quy mô rộng khắp, tạo bước phát triển mới mang tính đột phá về mạng lưới viễn thông với đầy đủ các dịch vụ, tiện ích, phục vụ cho nhu cầu của người dân. Vậy nhưng, mặt trái sự phát triển quá nhanh của dịch vụ viễn thông và truyền hình trả tiền với một hệ thống dây tín hiệu không theo quy hoạch trong thời gian qua đã dẫn tới những tồn tại, bất cập.
Trước thực trạng này, UBND Hà Tĩnh đã ban hành Quy định quản lý cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó xác định quy hoạch là mấu chốt để làm tốt việc chỉnh trang cáp với mục tiêu cuối cùng là thu gọn, chỉnh trang hệ thống cáp viễn thông. Quy định nêu rõ, việc dùng chung hệ thống cột điện, cột chiếu sáng, đồng thời đặt ra các yêu cầu kỹ thuật đối với cáp viễn thông như đảm bảo chiều cao không được thấp hơn 5,5m so với mặt đường.
Theo đó, tổng số lượng cáp của một tổ chức trên một tuyến không quá bốn sợi cáp. Cáp thuê bao khi treo phải kéo thẳng, bó gọn với độ cao như cáp chính. Độ dài cáp thuê bao không quá 300m ở địa bàn phường, thị trấn. Trên cùng một tuyến, tại một điểm bất kỳ, một tổ chức không có quá tám cáp thuê bao đi qua, trường hợp có nhiều hơn thì phải thay bằng cáp có dung lượng lớn hơn hoặc báo cáo cơ quan chức năng xem xét, quyết định đối với các trường hợp bất khả kháng. Các đơn vị chủ quản cột, các đơn vị sử dụng chung cột có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, sắp xếp, chỉnh trang, làm gọn hệ thống cáp treo viễn thông tối thiểu sáu tháng một lần hoặc theo kế hoạch của các cơ quan chức năng.
Theo quy định, Sở thông tin và truyền thông sẽ thẩm tra, cho ý kiến về kế hoạch, lộ trình thực hiện của các địa phương, doanh nghiệp định kỳ hàng năm hoặc theo từng giai đoạn. Các sở ngành khác sẽ phối hợp xử lý các vướng mắc liên quan tới chức năng nhiệm vụ của đơn vị.
Quy định đã có nhưng việc thực hiện đạt được hiệu quả đang cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và các tổ chức đơn vị có liên quan. Được biết, Hà Tĩnh hiện có khoảng trên 30% dây cáp không sử dụng nhưng chưa được các đơn vị kinh doanh gỡ bỏ- Điều này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn làm cho hệ thống cột ngày càng quá tải, gây mất an toàn thông tin và an toàn cháy nổ.

PV (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích