Hà Tĩnh: Ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030

(Xây dựng) – Nhằm phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập của người dân, góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc… UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hà Tĩnh: Ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030
Tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn đạt khoảng 6-7%/năm.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn đạt khoảng 6-7%/năm; thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020. Duy trì và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, phấn đấu đến năm 2030 giá trị sản xuất của các làng nghề, làng nghề truyền thống đạt trên 1.800 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động trong khu vực ngành nghề nông thôn được đào tạo nghề tăng lên từ 10-20%.

Tầm nhìn đến năm 2045, ngành nghề nông thôn ở Hà Tĩnh tiếp tục là hoạt động trọng tâm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế mang lại thu nhập cao và giải quyết việc làm, góp phần vào tăng trưởng chung của địa phương.

Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng bền vững, tích hợp đa giá trị, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống của các địa phương.

Định hướng phát triển theo nhóm ngành nghề nông thôn gồm các nhóm chính:

Nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và đảm bảo vệ sinh môi trường. Đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản trong đó tập trung vào các sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP…

Nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ: Trên cơ sở nghề thủ công truyền thống đã có, khuyến khích nghiên cứu, phát triển vào các ngành nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại các địa phương; củng cố, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất để cung cấp nguyên liệu, vốn, tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Hỗ trợ, khuyến khích tiếp cận máy móc, công nghệ thiết bị hiện đại trong gia công điêu khắc mỹ nghệ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm….

Nhóm xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn: Nâng cao năng lực các cơ sở xử lý, chế biến tạo ra các loại nguyên liệu mới, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành nghề nông thôn; nhất là sản xuất nguyên liệu tái chế, thân thiện với môi trường và thay thế cho nguyên liệu nhập khẩu; Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn được cấp chứng chỉ bền vững gắn với các nhà máy sơ chế, chế biến, sản xuất các sản phẩm ngành nghề nông thôn, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu…

Nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ: Tập trung sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, có tính thương mại cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng một số mặt hàng có tiềm năng như: Sản phẩm mây, tre và gỗ mỹ nghệ… Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu thiết kế mẫu mã, phát triển các sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu, dấu hiệu nhận diện và phù hợp thị hiếu, văn hóa người tiêu dùng trong và ngoài nước; phát triển sản xuất theo hướng làm quà tặng, đồ lưu niệm phục vụ đối tượng khách du lịch…

Bảo tồn và phát triển làng nghề: Tập trung bảo tồn, khôi phục các làng nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền, gắn với du lịch; xây dựng kênh phân phối, giới thiệu sản phẩm làng nghề; phong tặng, tôn vinh và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề, làng nghề truyền thống; Ưu tiên thành lập các hội, hiệp hội nghề ở các địa phương, các trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề; hỗ trợ thiết kế mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm, thông tin thị trường phục vụ bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề…

Xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm: Hướng dẫn các cơ sở làng nghề tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hỗ trợ tham gia các Hội chợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại, các tuyến du lịch, điểm du lịch để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm ngành nghề…

Nhằm phát triển ngành nghề nông thôn địa bàn tỉnh, kế hoạch cũng đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức lại sản xuất ngành nghề nông thôn; xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường và hội nhập quốc tế; bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề và hoàn thiện cơ chế chính sách.

UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung được nêu trong kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc, khó khăn, các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét theo quy định.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích