Hà Tĩnh: Áp lực lạm phát “đe doạ” tăng trưởng ngành Xây dựng

(Xây dựng) – Bão giá nguyên vật liệu thời gian qua đã bào mòn biên lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp ngành Xây dựng, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Cùng với đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của một số công trình, dự án chậm hơn so với cùng kỳ làm cho doanh nghiệp ngành Xây dựng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn.

ha tinh ap luc lam phat de doa tang truong nganh xay dung
Công trình đường ven biển gần 1.500 tỷ đồng có cây cầu  dài 1.300m nối hai xã Cẩm Nhượng và Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên), Hà Tĩnh.

Giá nguyên vật liệu bào mòn biên lợi nhuận

Sau đại dịch hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều dự án/ hợp đồng của họ bị chậm tiến độ hoặc ảnh hưởng chi phí. Biến động giá nguyên vật liệu đã trở thành “cơn ác mộng” đối với các nhà thầu xây dựng. Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu dùng trong xây dựng tăng 6,4% so với cùng kỳ do nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao trong khi chuỗi cung ứng. Hai loại vật liệu xây dựng quan trọng nhất là thép và xi măng lần lượt tăng giá khoảng 40% và 8,4%.

Do chi phí vật liệu xây dựng (VLXD) chiếm khoảng 65-70% giá dự toán xây dựng công trình, việc tăng giá vật liệu xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng, hiệu quả của nhiều dự án, xói mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Một số chuyên gia trong ngành nhận định “bão giá” đã quét sạch những lợi nhuận có thể hi hữu còn lại, đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào thua lỗ.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, anh P.H.P (Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Tĩnh) chia sẻ: “Với giá VLXD bây giờ đối chiếu với định mức dự toán hiện hành thì hầu hết các công trình để làm đảm bảo được chất lượng thi công chỉ có bù lỗ. Ngoài giá VLXD thì giá xăng dầu, giá nhân công, lãi suất ngân hàng, hoặc do chi phí vận tải gia tăng… đẩy doanh nghiệp vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Giá VLXD tăng làm một số công trình, dự án chậm tiến độ. Cùng với đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của một số công trình, dự án chậm càng làm doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn về vốn. Công tác quy hoạch chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao; thiết kế chậm; việc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, một số dự án đã được bố trí đủ vốn nhưng vẫn chậm triển khai; năng lực tài chính của một số chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng còn hạn chế; nhiều dự án bị bỏ dở hoặc thi công cầm chừng. Một số dự án bất động sản đã ký nhưng không được triển khai hoặc triển khai chậm, trong khi đó, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xây dựng do nguồn việc ít đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Về tài chính đang là một sức ép lớn cho các doanh nghiệp xây dựng do công tác thanh quyết toán với các chủ đầu tư còn phức tạp, khó khăn, hầu hết các nhà thầu bị nợ đọng. Nhiều dự án đã đưa vào khai thác sử dụng vài ba năm vẫn chưa quyết toán được, trong khi nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ chồng nợ.

Nhiều nhà thầu càng làm càng lỗ

Do vốn nhỏ, hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng đầu tiên dựa trên vốn tạm ứng của chủ đầu tư (song hầu hết chỉ được tạm ứng 10-15% giá trị gói thầu), sau là vốn vay ngân hàng, làm xong 1-2 tháng mới được quyết toán. Bởi vậy, trong quan hệ giữa nhà thầu và chủ đầu tư thường không có sự bình đẳng. Chỉ rất ít nhà thầu làm được công trình đòi hỏi chất lượng rất cao, thi công phức tạp mới có thể thương thảo, đàm phán, còn lại đa số khó kiếm được hợp đồng, công việc bị phụ thuộc vào chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng bị hạn chế và mặt bằng lãi suất tăng cao nên nhiều doanh nghiệp xây dựng càng làm càng lỗ.

Đặc biệt, khung khổ pháp lý giữa chủ đầu tư – nhà thầu (hợp đồng xây dựng) vẫn còn nhiều vướng mắc, thủ tục pháp lý rắc rối, phức tạp trong khâu thanh quyết toán, nên phần thua thiệt luôn thuộc về nhà thầu. Nhiều doanh nghiệp vốn bị nợ gấp đôi vốn hiện có, nên nợ chồng nợ, lấy được nợ cũ lại bù cho nợ mới. Tình trạng liên tục bị nợ đọng, nợ kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tình trạng đóng bảo hiểm người lao động, nộp thuế nhà nước gây hệ lụy xã hội và đang làm suy kiệt sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nguyên nhân là do sau khi công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng, chủ đầu tư chậm bố trí vốn trả nợ các dự án đã hoàn thành bàn giao, thậm chí còn cố tình chiếm dụng vốn, chây ỳ trong việc trả nợ; công tác thanh tra, kiểm toán, quyết toán công trình hoàn thành chậm, kéo dài do vướng mắc, chồng chéo các thủ tục, quy định, làm ảnh hưởng đến việc thu hồi công nợ… Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có một cơ chế thanh toán hay chế độ hỗ trợ nhà thầu giải quyết các vướng mắc kể trên.

Nói về thực trạng này, một giám đốc doanh nghiệp thừa nhận rằng, với gần 30 năm kinh nghiệm thi công và thanh quyết toán các công trình, ông thấy thủ tục thanh quyết toán rất rườm rà, phiền phức mà người thiệt hại trước hết là nhà thầu. Tất cả đều xuất phát từ hệ thống cơ chế. Tâm lý chung là ai cũng sợ trách nhiệm, ai cũng sợ mình làm sai, nên cứ tròn vo, ba phải, đùn đẩy trách nhiệm, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước. Hệ thống quy định về hồ sơ thanh toán quá rườm rà và phức tạp, nhiều loại giấy tờ, biểu mẫu. Nhìn qua thấy có vẻ chặt chẽ nhưng cuối cùng lại không chặt mà chỉ gây phiền nhiễu thiệt hại cho nhà thầu.

Các cơ quan thanh, kiểm tra đôi khi cũng có những trường hợp nặng về bệnh thành tích, đi kiểm tra thì kiểu gì cũng phải phát hiện ra sai phạm nên hay bắt bẻ, vặn vẹo câu chữ để buộc lỗi doanh nghiêp. Tư duy kiểu “thanh tra phải ra lỗi” đã không còn phù hợp để hỗ trợ và kích cầu doanh nghiệp, chưa nói đến thanh kiểm tra chồng chéo nhau, “một cổ mấy tròng” làm sao doanh nghiệp giám làm, giám bức phá. Mỗi hợp đồng thi công, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn giá cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, lãi chỉ được 3-5%, thậm chí hòa hoặc lỗ nhưng phê duyệt quyết toán chậm thì coi như lỗ.

Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp ngành Xây dựng Hà Tĩnh cho biết, họ gặp khó khăn khi tiến hành các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp vướng mắc khi thực hiện các thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị…

ha tinh ap luc lam phat de doa tang truong nganh xay dung
Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn đang nỗ lực thích nghi với điều kiện mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để bứt tốc trong thời gian tới.

Triển khai nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển

Để chia sẻ và giảm áp lực cho doanh nghiệp, tại diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp ngành Xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hà – Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Hà Tĩnh đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, vướng mắc của ngành: “Chúng ta có thể kỳ vọng rằng với những bước tiến mới trong chỉ đạo và điều hành của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thời gian tới, căng thẳng sẽ hạ nhiệt và thị trường sẽ ổn định hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh. Chúng tôi sẽ xây dựng và cập nhật thông tin giá VLXD phù hợp trên cơ sở cho phép để các dự án có căn cứ điều chỉnh đơn giá, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình”

Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hà cũng nêu ra nhiều giải pháp ưu tiên để phát triển doanh nghiệp giai đoạn hiện nay như: tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro; đảm bảo việc làm, tiền lương và quyền lợi cho nhân viên; tăng cường bắt tay, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp địa phương; đẩy mạnh đầu tư và phát triển công nghệ; tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với thời đại số; tăng cường huy động vốn, xây dựng nguồn tài chính vững mạnh. Qua đó, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong gian đoạn mới.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp như: Tăng cường công tác quản lý giá VLXD; tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; nâng cao chất lượng thẩm định quy hoạch; tăng cường công tác quản lý hoạt động xây dựng…

Hỗ trợ doanh nghiệp ngành xây dựng bằng các biện pháp thiết thực như: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận những dự án ngay tại địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động; giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính trong việc cấp phép và thanh quyết toán công trình xây dựng; hỗ trợ tốt nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp; tạo điều kiện trong việc nộp thuế cũng như hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng; bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép xây dựng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích