Hạ tầng “vướng víu” thành rào cản phát triển xe điện

Hạ tầng “vướng víu” thành rào cản phát triển xe điện

MTĐT –  Thứ bảy, 04/09/2021 08:35 (GMT+7)

Chiến lược phát triển cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được Chính phủ khuyến khích đặc biệt ở dòng xe thân thiện môi trường theo xu thế chung của thế giới.

Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng xe điện vừa thiếu, vừa yếu khiến việc phát triển dòng xe này tại Việt Nam gặp vô vàn cản trở nên cần sớm được giải quyết.

Doanh nghiệp e dè

Hiện nay, quy chuẩn về trạm sạc, súng sạc chưa có sự thống nhất dẫn đến nhiều sự lo ngại về mức độ an toàn của người sử dụng, đây cũng là một phần nguyên nhân khiến xe sử dụng năng lượng điện ít được người dân ưu tiên lựa chọn. Bên cạnh đó, quá trình trải nghiệm cũng không đảm bảo khi hệ thống trạm sạc chưa được bao phủ, nhiều ý kiến cho rằng sẽ không lựa chọn một loại phương tiện mà đi đâu cũng nơm nớp hết năng lượng.

Theo ông Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, các yêu cầu chung về mức độ an toàn để người dân yên tâm sử dụng các thiết bị tại trạm sạc là chưa rõ ràng, Cục đăng kiểm cũng như Bộ GTVT hiện nay mới đang phối hợp, nghiên cứu cùng các cơ quan để có thể ban hành quy chuẩn cho trạm sạc lĩnh vực xe điện.

tm-img-alt
Hệ thống trạm tiện ích sẽ làm thay đổi thói quen của người sử dụng. Ảnh minh họa

Trong khi đó, vấn đề nguồn điện cũng là một bài toán nan giải, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn EVN, nếu theo phương án triển khai 40.000 đầu sạc, ngay lập tức cần có nguồn điện đáp ứng là khoảng 440mW (tương đương 2 tổ máy của thủy điện Hòa Bình), hoặc quy mô lớn hơn, ở mức 1000mW sẽ tương đương với cả nhà máy thủy điện Lai Châu. Đồng thời, nếu không được quy hoạch một cách chặt chẽ, hệ thống trạm sạc xe điện sẽ gây ảnh hưởng đến các trạm biến áp của EVN.

Vì những bất cập nêu trên, đại diện Honda Việt Nam cho biết, dù hiện tại hãng đang thử nghiệm mẫu xe máy PCX điện nhưng chưa đưa ra thị trường, nguyên nhân do quy định về cấp bằng lái cho người sử dụng chưa rõ ràng, nhiều nguy cơ tiềm tàng khi xe điện có công suất lớn được giao cho người chưa được đào tạo kỹ năng lái xe an toàn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam chưa phát triển tương xứng với các yêu cầu đối với vận hành xe điện nên rất khó để người tiêu dùng có được trải nghiệm tốt.

Vấn đề lớn tiếp theo, các DN sản xuất pin, mô tô điện của Việt Nam chưa đạt được tiêu chuẩn chung của Châu Âu. Các chế tài liên quan đến việc thu hồi, thải bỏ chưa được rõ ràng, dẫn tới các khâu sản xuất, chế tạo, sử dụng, thu hồi, thải bỏ không xuyên suốt, do đó, Honda quyết định chưa đưa loại xe này ra thị trường.

Cần luật hóa

Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) cho biết, phương tiện giao thông điện là xu thế tất yếu, các quốc gia đã nghiên cứu, phát triển xe sử dụng nhiên liệu mới, và dự báo trở thành xu hướng của tương lai. Các nước đều có chính sách ưu tiên để phát triển xe điện, nâng dần tỉ lệ xe điện. Số lượng xe điện tiêu thụ ở các quốc gia phát triển khá lớn.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều trở ngại khiến ô tô điện chưa phổ biến như giá xe cao, hệ thống hạ tầng, trạm sạc nhanh còn thiếu, thời gian sạc pin dài hơn nhiều so với thời gian bơm nhiên liệu, tâm lý lo ngại của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe điện hóa (hybrid, plug-in hybrid, và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện còn rất ít, năm 2019 là 140 xe điện, năm 2020 tăng lên 900 xe và đến hết Quý I/2021 có thêm 600 xe. Tất cả số xe trên đều là nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid, số xe chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

tm-img-alt
Xe điện được ưu tiên phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Ảnh minh họa

Theo PSG.TS Đàm Hoàng Phúc, hiện nay, thách thức về nguồn năng lượng cũng như khí thải khiến xe điện trở thành giải pháp khả thi nhất tại thời điểm này và ít nhất trong vòng 30 năm nữa. Khi chuyển đổi được nguồn năng lượng cho phương tiện cũng có nghĩa là chuyển đổi được khí thải, hạn chế được hiệu ứng nhà kính vì phương tiện vận tải đường bộ đang chiếm đến 70% lượng tiêu thụ dầu mỏ trong các loại phương tiện giao thông. Do vậy, việc chuyển đổi sang loại phương tiện năng lượng xanh, thân thiện với môi trường là điều bắt buộc.

Do đó, PSG.TS Đàm Hoàng Phúc cho rằng ngoài những chính sách khuyến khích, Nhà nước cần phải áp dụng luật hóa, ban hành các quy định bắt buộc về sử dụng xe điện để đến năm 2045, phương tiện vận tải được sử dụng các loại nhiên liệu xanh sẽ đạt mức 50% tổng số xe bán ra thị trường.

“Nếu Việt Nam không bắt nhịp được xu hướng chung của thế giới, chúng ta sẽ trở thành vùng trũng, đến một ngày nào đó sẽ trở thành bãi bãi rác công nghệ của toàn thế giới, chính người Việt phải hứng chịu ảnh hưởng của sự ô nhiễm, do vậy chúng ta bắt buộc phải chuyển đổi mô hình vận tải xanh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường” – PSG.TS Đàm Hoàng Phúc.

“Ngay tháng 9 hay chậm nhất là đầu tháng 10, có khoảng chục ngàn chiếc xe điện của Vinfast sẽ lăn bánh, mặc dù DN đã có sự chuẩn bị, nhưng nếu chúng ta (các bộ, ngành – PV) chưa sẵn một quy hoạch cho dù chỉ mang tính sơ bộ hay khái niệm, như vậy, rõ ràng chúng ta đang đi khá chậm so với thực tiễn của thị trường”, ông Khuất Việt Hùng – Phó chủ nhiệm Ủy ban ATGT Quốc gia. 

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích