Hạ tầng “nâng cánh” du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc

(Xây dựng) – Phong cảnh hữu tình lại có hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa; vùng Chiến khu Việt Bắc đang trở thành một nguồn lực to lớn để vừa phát triển du lịch, vừa đóng góp vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Hạ tầng “nâng cánh” du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc
Động thổ Dự án cải tạo, sửa chữa Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa, xã Phú Đình, huyện Định Hóa.

Vùng đất nhiều tiềm năng

Vùng Chiến khu Việt Bắc bao gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang và Tuyên Quang với diện tích tự nhiên là 37.204,39km2, dân số là 4.576.141 người (năm 2020). Vùng Chiến khu Việt Bắc được gọi là Thủ đô kháng chiến, là nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự và xã hội. Giờ đây là khu vực có vị trí địa lý rất thuận lợi, có tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú cả về tự nhiên và văn hóa.

Hạ tầng “nâng cánh” du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên kiểm tra tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Do đặc điểm địa hình núi cao kết hợp các yếu tố khí hậu, hệ thống thủy văn sông suối và các hồ, thảm thực vật…, vùng Chiến khu Việt Bắc có nhiều cảnh quan hùng vĩ với nhiều đỉnh núi cao, vực sâu, nhiều thắng cảnh đẹp, tạo nên những cảnh quan đặc biệt hấp dẫn, tiêu biểu như: Núi Mẫu Sơn, thảo nguyên Khau Sao (Lạng Sơn); Đồng Văn, Mã Pí Lèng, thác Tiên, đèo Gió (Hà Giang)… Đặc biệt, Cao nguyên đá Đồng Văn và Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là những công viên địa chất toàn cầu.

Nơi đây có nhiều hang đẹp, rộng, như hang Pắc Pó, động Ngườm Ngao (Cao Bằng)…; có mạng lưới sông, suối khá dày đặc với cảnh quan đẹp như: Sông Kỳ Cùng, sông Thương (Lạng Sơn); sông Nho Quế (Hà Giang)…; có nhiều hồ nước lớn, như hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Na Hang (Tuyên Quang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn)…; có nước khoáng, nước nóng có khả năng sử dụng làm nước uống, chữa bệnh và phục vụ phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp phục hồi sức khỏe.

Hạ tầng “nâng cánh” du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc
Vùng Chiến khu Việt Bắc có nhiều cảnh quan hùng vĩ với nhiều đỉnh núi cao, vực sâu, nhiều thắng cảnh đẹp, giàu ý nghĩa lịch sử.

Các hệ sinh thái ở đây rất đa dạng và phong phú, tập trung chủ yếu ở các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, có ý nghĩa về khoa học, kinh tế, giáo dục môi trường và đặc biệt có ý nghĩa cho việc khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái như các vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Phia Oắc – Phia Đén (Cao Bằng)…; các khu bảo tồn thiên nhiên như Hữu Liên (Lạng Sơn); Kim Hỷ (Bắc Kạn); Thần Sa – Phượng Hoàng (Thái Nguyên); các khu bảo tồn loài – sinh cảnh như khu bảo tồn loài vượn Cao Vít Trùng Khánh (Cao Bằng)…

Hạ tầng “nâng cánh” du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc
Nghe đàn Tính trên hồ Ba Bể (Bắc Kạn).

Về tài nguyên du lịch văn hóa, vùng Chiến khu Việt Bắc có 98 di tích các loại đã được xếp hạng, chiếm 3,9% cả nước. Trong số các di tích xếp hạng, có nhiều di tích văn hóa lịch sử cách mạng đặc biệt quan trọng, có giá trị cao đối với phát triển du lịch như: Pắc Bó (Cao Bằng); Tân Trào, Khu di tích Kim Bình (Tuyên Quang); ATK Định Hóa (Thái Nguyên)…

Các di tích kiến trúc, nghệ thuật và khảo cổ cũng rất đa dạng, như Dinh thự “Vua Mèo”; phố cổ Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang); Ải Chi Lăng, các di chỉ khảo cổ Thẩm Khuyên – Thẩm Hai – Kéo Lèng (Lạng Sơn); Thành Nhà Mạc (Tuyên Quang)…

Chưa kể vùng đất này còn có các giá trị văn hóa phi vật thể hết sức phong phú, như nếp sống sinh hoạt truyền thống, lễ hội, ca múa nhạc dân gian, làng nghề… của 46 dân tộc anh em.

“Nâng cánh” phát triển

Nhận thức vai trò quan trọng của du lịch là động lực cho phát triển kinh tế, trong những năm gần đây, các địa phương trong vùng với tiềm năng lợi thế của mình ở các cấp độ khác nhau đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo điều kiện phát triển ngành Du lịch, đều xác định du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng hướng đến là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Một trong những điểm nhấn quan trọng là các địa phương quan tâm phát triển hạ tầng – coi hạ tầng là cơ sở để “nâng cánh” cho sự phát triển của mỗi tỉnh và cả vùng.

Hạ tầng “nâng cánh” du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc
Thi công đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Thái Nguyên.

Đường giao thông nối liền các tuyến du lịch liên vùng đã được nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới, như: Quốc lộ 3 Thái Nguyên – Bắc Kạn, Quốc lộ Thái Nguyên – Chợ Mới, Quốc lộ 4 Cao Bằng – Lạng Sơn, Quốc lộ 279 Lạng Sơn – Cao Bằng – Bắc Kạn – Tuyên Quang – Hà Giang…

Hiện nay, toàn vùng có gần 1.300 cơ sở lưu trú, trong đó có nhiều khách sạn đạt chuẩn từ 3 đến 4 sao; có hàng trăm cơ sở ăn uống, nhà hàng; gần 70 doanh nghiệp lữ hành với hơn 800 xe vận chuyển khách du lịch.

Tại Thái Nguyên: Địa phương vừa là một cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, vừa là trung tâm vùng Trung du miền núi phía Bắc hiện đã có mạng lưới giao thông đường bộ tương đối hoàn chỉnh với gần 330km quốc lộ và đường cao tốc, hơn 400km đường tỉnh và hơn 4.000km đường huyện, đường liên xã, đường xóm được liên thông, kết nối thuận lợi.

Từ nay đến năm 2025, Thái Nguyên đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông kết nối, có tính liên kết cao, như: Đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội; Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên – Bắc Giang – Vĩnh Phúc; đường Hồ Chí Minh, đoạn Yên Ninh (Phú Lương) – Chợ Chu (Định Hóa) – Ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang). Đây là những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, có ý nghĩa về mọi mặt, cả về phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh. Trong giai đoạn 2020-2025, Thái Nguyên sẽ huy động khoảng 10 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, dựa trên Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt.

Xác định ”đường thông, kinh tế mở”, tỉnh Tuyên Quang tập trung huy động mọi nguồn lực, ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo hướng liên kết vùng thuận lợi. Đáng kể đến là dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Dự án có tổng chiều dài hơn 40km, với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tuyên Quang cũng đang triển khai các bước đầu tư, xây dựng các dự án đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện lỵ Yên Sơn; Dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang; xây dựng cầu Trắng 2 qua sông Phó Đáy, đi Khu du lịch Quốc gia đặc biệt Tân Trào; xây dựng cầu qua sông Lô Km71 đường Tuyên Quang – Hà Giang đi xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên; Dự án cầu Xuân Vân, đường từ Khu du lịch Suối Khoáng Mỹ Lâm đến quốc lộ 2D kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ; đồng thời cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chính Minh (đoạn qua địa bàn tỉnh).

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Bắc Kạn đã và đang triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến đầu tư công khoảng hơn 7.000 tỷ đồng cho lĩnh vực giao thông, trong đó, trọng điểm là đường cao tốc từ Chợ Mới tới thành phố Bắc Kạn và đường du lịch từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang).

Hạ tầng “nâng cánh” du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc
Thời gian di chuyển từ Thái Nguyên – Bắc Kạn rút ngắn xuống còn 1 giờ, thay vì 2,5 – 3 giờ so với trước.

Cùng với đó, tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Kạn đi Cao Bằng; cải tạo sửa chữa đường tỉnh ĐT 258; cải tạo, nâng cấp đường 258 đoạn qua Vườn quốc gia Ba Bể; xây dựng hạ tầng giao thông khu vực xung quanh hồ Ba Bể; xây dựng tuyến đường Quảng Khê – Khang Ninh, huyện Ba Bể; xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể; xây dựng Trung tâm đón tiếp Buốc Lốm – Khang Ninh; bến thuyền, nhà chờ điểm đón khách du lịch Tà Kèn….

Tại Cao Bằng: 3 tuyến du lịch đặc sắc đã được xác định là tuyến du lịch văn hóa, lịch sử về với cội nguồn cách mạng; tuyến du lịch sinh thái, tham quan cảnh quan, trải nghiệm văn hóa bản địa; tuyến du lịch văn hóa, lịch sử kết hợp du lịch sinh thái Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén. Các tuyến du lịch liên tỉnh được phát triển theo các quốc lộ, trong tổng thể chung phát triển du lịch quốc gia và vùng. Với các trục giao thông quan trọng như: Tuyến Quốc lộ 3 Cao Bằng – Bắc Kạn – Hà Nội, Quốc lộ 4A Cao Bằng – Lạng Sơn – Hà Nội, Quốc lộ 34 Cao Bằng – Hà Giang.

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Cao Bằng có 299 cơ sở lưu trú gồm 88 khách sạn từ 1-3 sao (3.804 phòng và 6.327 giường), trong đó, có 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 20 cơ sở đạt tiêu chuẩn 2 sao, 67 cơ sở đạt tiêu chuẩn 1 sao; còn lại là các nhà nghỉ, homestay đủ tiêu chuẩn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách. Hệ thống cơ sở dịch vụ hỗ trợ phục vụ du lịch cũng trên đà phát triển, nhiều nhà hàng, trung tâm vui chơi, giải trí dần được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch trên địa bàn tỉnh.

Hạ tầng “nâng cánh” du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc
Hệ thống cơ sở dịch vụ tại Cao Bằng cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch trên địa bàn tỉnh.

Hạ tầng giao thông – hạ tầng số là 1 trong 4 trụ cột tăng trưởng mà Hà Giang sẽ tập trung phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, cao tốc nối Hà Giang với tuyến Hà Nội – Lào Cai có 32km đi qua các huyện Việt Quang, Quản Bạ và Hoàng Su Phì giúp Hà Giang dễ dàng kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc như: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lạng Sơn, Tuyên Quang.

Trong khi đó, Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang có tổng chiều dài tuyến khoảng 27,443km, thuộc địa phận huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế từ trung tâm Thủ đô Hà Nội theo cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ đến Hà Giang đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao.

Ngoài thế mạnh về lịch sử và tài nguyên thiên nhiên được tạo hóa ban tặng, Lạng Sơn nổi lên như một điểm sáng đầu tư ở khu vực Đông Bắc với lợi thế từ vị trí gần cửa khẩu, hạ tầng hoàn thiện và phát triển đồng bộ thương mại, du lịch.

Một trong những động lực quan trọng thúc đẩy Lạng Sơn phát triển toàn diện là sự hình thành của các dự án quy mô được đầu tư bài bản. Đến nay, địa phương ghi nhận nhiều tập đoàn lớn “đổ bộ” như Sun Group với Khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn; Vingroup với dự án Vincom Lạng Sơn, Vinpearl Lạng Sơn…

Mỗi địa phương có một cách làm, một lợi thế nhưng có thể thấy các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc đang nỗ lực phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời thực sự chuyển mình trong phát triển du lịch từ những hoạt động đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng – hứa hẹn biến tiềm năng thành hiệu quả trong thời gian không xa.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích