Hạ tầng khu Đông TP.HCM tiếp tục được dồn lực mạnh
(Xây dựng) – Loạt hạ tầng trọng điểm như đường Vành đai 3, tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đang được đẩy nhanh tiến độ để đi vào vận hành trong thời gian tới. Đây tiếp tục là động lực lớn để khu Đông tăng trưởng bền vững.
Tổng lực cho Vành đai 3, Metro sắp cán đích
Cuối tháng 1/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã trực tiếp kiểm tra tiến độ dự án Vành đai 3. Lãnh đạo Chính phủ đề nghị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hơn 8 km dự án 1A thuộc Vành đai 3 TP.HCM vào tháng 4/2025, sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch.
Đường Vành đai 3 là “con gà đẻ trứng vàng” cho kinh tế khu vực. |
Chính phủ cũng sẵn sàng chia sẻ, bố trí thêm vốn từ nguồn tăng thu để TP.HCM bổ sung cho dự án đường vành đai 3, cũng như các dự án đang triển khai tốt mà thiếu vốn. Để nâng cao hiệu quả tuyến, Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị nghiên cứu sớm xây dựng Vành đai 4 dài gần 200 km, đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Metro Bến Thành – Suối Tiên đang tăng tốc để đưa vào vận hành ngay trong năm nay. |
Ngoài Vành đai 3, dự án Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) cũng đang tăng tốc tối đa để sớm đưa vào vận hành ngay trong năm nay. Cuối tháng 1/2023 hạng mục tòa nhà vận hành toàn tuyến Metro số 1 tại depot Long Bình (TP Thủ Đức) đã chính thức khởi công.
Ngày 18/02 vừa qua, Ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã chạy thử thành công tuyến metro số 1 với gần 700 hành khách. Đến nay, dự án đã đạt được gần 93,6% khối lượng công việc. Chủ đầu tư đang gấp rút triển khai những công việc cuối cùng như: Hoàn thiện hạ tầng, kiến trúc nhà ga, cầu bộ hành, lắp đặt thiết bị, đường giao thông kết nối, hệ thống xe buýt, bãi đỗ xe, dịch vụ công cộng…
Động lực tạo những “cú nhảy vọt”
Các công trình giao thông đặc biệt như Vành đai 3 hay Metro số 1 có vai trò hết sức quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương có tuyến đi qua gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Đường Vành đai 3 sẽ giảm tải lưu lượng cho các cao tốc như cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Long Thành – Dầu Giây và các tuyến quốc lộ hướng tâm như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22… Đây đồng thời là con đường huyết mạch đóng vai trò là hành lang công nghiệp, kết nối các cụm cảng biển, giúp giảm thời gian đi lại, tăng số vòng vận tải, giảm chi phí logistics và tạo lợi thế cạnh tranh.
Các đô thị vệ tinh với quy mô, chất lượng vượt trội giúp nâng tầm khu vực. |
Trong khi ấy, tuyến Metro số 1 được ví như “con át chủ bài” đột phá khả năng kết nối từ trung tâm ra khu Đông thành phố, nâng cao tầm vóc của cả khu vực, dần hình thành các trung tâm, khu vực đô thị vệ tinh mới sôi động, sầm uất.
Nhiều chuyên gia đánh giá, sự hoàn thiện của cơ sở hạ tầng giao thông tác động lớn đến sự phát triển của thị trường bất động sản. Với khu Đông TP.HCM, đường Vành đai 3, Metro số 1, các tuyến cao tốc tạo sự đồng bộ cho hạ tầng khu vực này. Đây là động lực tạo những cú nhảy vọt cho kinh tế, hình thành nên những khu dân cư hiện đại, giảm áp lực cho các thành phố lớn trong khu vực.
Hàng ngàn cư dân dịch chuyển ra các đô thị vệ tinh nhờ hạ tầng kết nối ngày càng hoàn thiện. |
Với sự phát triển của hạ tầng, nhiều cư dân đô thị cũng đang hướng về phía Đông để tìm nơi an cư. Rất nhiều khu đô thị lớn cũng đang hình thành tại đây như đại đô thị Vinhomes Grand Park, KĐT Đông Tăng Long, dự án Khang Điền… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn này.
Không chỉ giải tỏa sức ép nguồn cung BĐS cho thị trường, những đại đô thị này đang góp phần tạo nên sự sầm uất và động lực tăng trưởng dài hạn cho phía Đông TPHCM.
Nguồn: Báo xây dựng