Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam: Cần chính sách ưu đãi phù hợp để phát triển

Theo số liệu đưa ra tại Hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam” (hội thảo tổ chức theo hình thức trực tuyến công nghệ thực tế ảo 3D) cho thấy, hiện nay các nước trên thế giới đầu tư cho phát triển xe điện đã tăng 4 lần từ năm 2015 đến năm 2020.

Để có được kết quả này, không chỉ châu Âu, Mỹ, mà cả các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản… đều ban hành các chính sách rất cụ thể, dành nhiều ưu đãi cho sản xuất, ưu đãi trực tiếp cho người dùng (miễn giảm thuế, tài trợ tiền cho người mua xe…). Đồng thời, đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng trạm sạc để khuyến khích chuyển đổi xe xăng sang xe điện.

Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam: Cần chính sách ưu đãi phù hợp để phát triển
Cần chính sách ưu đãi phù hợp để phát triển xe ô tô điện tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Trong đó tại Việt Nam, số lượng xe điện hóa (hybrid, plug-in hybrid và xe thuần điện) hiện chiếm tỉ lệ rất ít. Cụ thể, năm 2019 là 140 xe điện, năm 2020 tăng lên 900 xe và hết quý I/2021 là 600 xe. Tất cả đều là xe nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid và xe điện chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đánh giá về lĩnh vực xe điện, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, tại Việt Nam hiện chưa có doanh nghiệp nào ngoài VinFast sản xuất, lắp ráp xe điện và nhìn chung, các dòng xe điện hóa chưa phổ biến tại Việt Nam.

“Hiện tại, ngoài sự hạn chế về hạ tầng, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường…”, ông Phạm Tuấn Anh cho hay.

Tại Hội thảo, rất nhiều ý kiến của chuyên gia về giao thông đã được đưa ra và cho rằng, sự ra đời của xe ô tô điện là xu thế tất yếu. Các loại ô tô nói chung, ô tô điện nói riêng trong nước hiện được kiểm soát về an toàn kỹ thuật đáp ứng quy chuẩn an toàn kỹ thuật chung của phương tiện, như QVN 09:2015/BGTVT và các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan. Do đó, để xe điện hoạt động được cần phải có hạ tầng, trong đó chủ yếu là các mô hình trạm sạc xây dựng quy định như thế nào, ở đâu, số lượng bao nhiêu…cần sớm được các cơ quan quản lý liên quan hoàn thiện, ban hành trên phương diện hài hòa quy chuẩn quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Cụ thể như, VinFast đã tiên phong cho dòng xe ô tô điện “Made in Vietnam” và đã chào bán mẫu ô tô điện đầu tiên tại Việt Nam mang tên VFe34 vào tháng 3/2021. Theo công bố của hãng này, đến nay đã có gần 3.700 đơn đặt hàng VFe34 để chờ đón thời điểm giao xe vào tháng 11/2021. Trong khi đó, Mitsubishi cũng đã từng đưa mẫu xe điện về Việt Nam thử nghiệm, nghiên cứu khả thi, hay KIA cũng đang có kế hoạch lắp ráp xe điện tại nhà máy Thaco – Chu Lai… Tuy nhiên, đến thời điểm này, thị trường xe ô tô điện vẫn phải chờ các hãng hoàn thiện hạ tầng.

Cùng với việc chưa có chính sách phát triển xe ô tô điện, một trong những vấn đề cốt lõi được các chuyên gia đưa ra chính là việc đầu tư phát triển mô hình các trạm sạc xe điện để đảm bảo hạ tầng cho xe điện chạy. Tại nhiều nước hiện nay, mô hình trạm sạc điện thường đặt ở các bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, cây xăng theo quy định của nước sở tại, nhưng ở Việt Nam chưa có mô hình này. Muốn khuyến khích doanh nghiệp xây dựng trạm sạc cũng cần có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể.

Đề cập vấn đề này, tại Hội thảo, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, với hạ tầng trạm sạc, nếu có chính sách ưu đãi về cấp đất, tín dụng (giảm lãi suất) dành cho các nhà đầu tư sẽ là hướng tốt, nhưng cần có cam kết, mục tiêu, lộ trình rõ ràng giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người dân để hiện thực hóa, nhất là vấn đề tính toán số lượng ô tô chạy điện thay cho ô tô chạy xăng để đảm bảo giao thông đô thị.

Đưa ra giải pháp về phía Bộ Công Thương, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, muốn phát triển xe điện cần có một số giải pháp như: Áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường; xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vượt trội nhằm thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện, tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc điện… Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp xe điện phải phù hợp với tình hình phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ cho xe điện (hệ thống trạm sạc điện).

Đỗ Đạt

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích