Hà Nội yêu cầu tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm

Theo đó, UBND TP.Hà Nội yêu cầu công tác hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hậu kiểm nhóm sản phẩm, sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm, nhóm sản phẩm OCOP dùng làm thực phẩm; kiểm soát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đặc biệt là các bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học, lễ hội và các cơ sở thuộc diện không phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; các hoạt động hậu kiểm phải được thực hiện thường xuyên, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về ATTP.

Yêu cầu tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, tăng cường xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm đặc biệt đối với quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên các báo, đài, Internet và môi trường mạng; lấy mẫu kiểm nghiệm về chất lượng, các chỉ tiêu ATTP, tập trung lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc các nhóm sản phẩm: Hỗ trợ người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng cân, giảm cân…; tránh chồng chéo trong hoạt động hậu kiểm. Việc triển khai hậu kiểm của Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương; UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị có liên quan theo phân công, phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Hoạt động hậu kiểm phải bảo đảm phù hợp tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tiến hành hậu kiểm không gây cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra.

Năm 2024, Ban Chỉ đạo công tác ATTP Thành phố triển khai 2 đợt kiểm tra liên ngành về ATTP: Kiểm tra liên ngành ATTP dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024; Kiểm tra liên ngành ATTP trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024.

Trong dịp Tết Trung thu, các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chủ động tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm chuyên ngành đối với sản phẩm/nhóm sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp. Kết thúc đợt kiểm tra, các Sở, ngành tổng hợp báo cáo kết quả về Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP Thành phố) để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP theo quy định.

Theo báo cáo của Sở Y tế, trên địa bàn Hà Nội hiện có 76.807 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Năm 2023, toàn thành phố thành lập gần 1.000 đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm, phát hiện trên 10.000 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 10 tỷ đồng.

 An Nguyên

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích