Hà Nội: Yêu cầu kiểm tra việc ghi nhãn thực phẩm có thành phần biến đổi gen

Theo nội dung văn bản số 4206/UBND-KTN ngày 13/12/2023 gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Y tế; Sở Công Thương; Sở Khoa học và Công nghệ; Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây; Cục Quản lý thị trường Thành phố về việc tăng cường quản lý ghi nhãn thực phẩm có chứa thành phần biến đổi gen, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị ban ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ tăng cường triển khai các nội dung sau:

Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện ghi nhãn sản phẩm theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính Phủ về nhãn hàng hóa; Nghị định số 11 1/2021/NĐ- CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính Phủ về nhãn hàng hóa và Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN ngày 26/6/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính Phủ về nhãn hàng hóa. Trong đó, đối với thực phẩm có chứa thành phần biến đổi gen phải ghi bằng tiếng Việt cụm từ “thực phẩm biến đổi gen” hoặc “biến đổi gen” bên cạnh tên của thành phần nguyên liệu biến đổi gen kèm theo hàm lượng trên nhãn sản phẩm và thông tin cảnh báo. Đối với những sản phẩm có diện tích để ghi nhãn nhỏ hơn 10cm2 thì trên nhãn bắt buộc phải có tên hàng hóa và cụm từ “biến đổi gen”; những nội dung bắt buộc còn lại không thể hiện trên nhãn thì phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa.

Hà Nội tăng cường quản lý ghi nhãn thực phẩm có chứa thành phần biến đổi gen.

Cùng với đó là tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm thuộc phạm vi quản lý được phân công, phân cấp có khả năng sử dụng các nguyên liệu, thành phần từ sinh vật biến đổi gen (tập trung vào sản phẩm ngô, đậu tương như: các sản phẩm lên men từ đậu tương, sản phẩm từ đậu tương, sản phẩm từ ngô,…).

UBND Thành phố cũng yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường công tác nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm về nguồn gốc, đối tượng nguyên liệu vi phạm về ghi nhãn đối với thực phẩm biến đối gen (nếu có) theo quy định tại Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21/6/2010 của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm sinh vật biến đổi gen; Nghị định số 118/2020/NĐ -CP ngày 02/10/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21/6/2010 của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen; Thông tư liên tịch số 45/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHCN ngày 23/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học Công nghệ hướng dẫn ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn.

UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện và báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

Thực phẩm biến đổi gen (GMO – Genetically Modified Oganism) là một trong những sản phẩm ưu việt mà ngành công nghệ sinh học mang lại cho ngành nông nghiệp nói riêng và đời sống con người nói chung.

Thực phẩm biến đổi gen được tạo ra bằng kỹ thuật chuyển gen nhằm thêm, bớt hoặc chọn lọc các gen có lợi để chuyển vào sinh vật đích nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của những sinh vật này.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ thực phẩm biến đổi gen cao, theo số liệu điều tra năm 2020, diện tích đất trồng các giống cây biến đổi gen của Việt Nam là 30 – 50% diện tích đất nông nghiệp và hầu hết thực phẩm biến đổi gen xuất hiện trong các bữa ăn hàng ngày của người Việt như đậu nành, ngô, bí đỏ, củ cải đường, cà chua, thậm chí là sữa,…

Bảo Linh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích