Hà Nội xử lý nhiều vụ vi phạm về thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thượng tá Ngô Tiến Bắc – Phó Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, trong tháng 8 và 9/2024, quán triệt chỉ đạo của cơ quan cấp trên về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đơn vị đã phối hợp Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 11 thuộc Cục QLTT Hà Nội (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố) triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Kết quả, trong dịp tết Trung thu (tính đến ngày 18/9/2024), Công an quận Hà Đông đã phát hiện, phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý 18 vụ vi phạm pháp luật về ATTP, với số tiền gần 140 triệu đồng.
Công an quận Hà Đông xử phạt 18 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm. (Ảnh: ANTĐ)
Hành vi chủ yếu là vi phạm quy định về ATTP và kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm nhập lậu. Trong đó, xử phạt các cơ sở kinh doanh bánh trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ số tiền gần 130 triệu đồng, thu nộp ngân sách nhà nước, tịch thu tiêu hủy gần 2000 sản phẩm bánh trung thu các loại.
Bên cạnh đó, bố trí cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của UBND quận đối với 12 cơ sở; phát hiện 4 cơ sở có hành vi vi phạm về ATTP, đã ra Quyết định xử phạt 2 cơ sở với số tiền 12 triệu đồng; 2 cơ sở đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt.
Đội Cảnh sát kinh tế – Công an quận Hà Đông đã phối hợp với Đội QLTT số 11 – Cục QLTT Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh bánh trung thu tại địa chỉ tổ 2, phường Mộ Lao; phát hiện 1480 sản phẩm bánh trung thu do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ.
Tiếp tục phối hợp với Đội QLTT số 11 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh bánh trung thu tại địa bàn phường Dương Nội, phát hiện tại cơ sở có 186 sản phẩm bánh trung thu do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ. Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt chủ cơ sở số tiền 10,5 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm nhập lậu, tịch thu tiêu hủy tang vật theo quy định.
Gần đây nhất, tiến hành kiểm tra căn hộ tầng 18, chung cư 19T4, phường Kiến Hưng; phát hiện 144 sản phẩm bánh trung thu do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ. Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt người liên quan số tiền 10,5 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm nhập lậu, tịch thu tiêu hủy tang vật theo quy định.
4 hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi
Căn cứ Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Theo đó, Thông tư quy định rõ 4 hình thức xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi, bao gồm:
Khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn: Khắc phục lỗi của sản phẩm áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có thể xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm thực phẩm an toàn; khắc phục lỗi ghi nhãn áp dụng đối với trường hợp thực phẩm ghi nhãn chưa đúng theo quy định.
Chuyển mục đích sử dụng: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng, không được sử dụng làm thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào mục đích khác sau khi xử lý phù hợp.
Tái xuất: Áp dụng đối với các trường hợp thực phẩm nhập khẩu không bảo đảm an toàn và thuộc diện tái xuất theo quy định pháp luật.
Tiêu hủy: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố, quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất.
An Dương (T/h)