Hà Nội: Xử lý 9.744 cơ sở gây ô nhiễm môi trường
Hà Nội: Xử lý 9.744 cơ sở gây ô nhiễm môi trường
Ngày 30-12, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ năm 2015 đến nay, cơ quan chuyên môn của Sở đã thẩm định 1.223 báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận khoảng 6.000 hồ sơ đề nghị cam kết bảo vệ môi trường của các dự án, công trình xây dựng; công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đã được đẩy mạnh.
Tính đến hết năm 2021, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã thực hiện thanh tra, kiểm tra khoảng 17.092 cơ sở, xử lý khoảng 9.744 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, với số tiền phạt 94 tỷ đồng.
Từ năm 2014 đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều dự án xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn như: Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh (Hoài Đức), công suất 4.000m3/ngày – đêm; hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (Thanh Oai) công suất 1.000m3/ngày – đêm.
Hà Nội đã kêu gọi đầu tư 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn dự kiến khoảng 569 tỷ đồng và đầu tư 48 cụm công nghiệp phát triển làng nghề trên địa bàn 11 quận, huyện với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.983,8 tỷ đồng.
Đối với công tác bảo vệ chất lượng không khí, thu gom, xử lý chất thải rắn, rác thải y tế, xây dựng… cũng đạt được những kết quả bước đầu. Tại các quận, huyện, thị xã, công tác bảo vệ môi trường cũng được triển khai quyết liệt. Điển hình, quận Hoàn Kiếm đã loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trong khu dân cư, tổ chức thu gom vỏ hộp sữa ở 100% trường học; huyện Đông Anh triển khai có hiệu quả việc xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề và đang triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn…
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, trong quá trình triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như, một số cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chưa phù hợp; các quy định của Luật chưa tạo ra hành lang pháp lý để khuyến khích sản xuất bền vững; mức xử phạt vi phạm về môi truờng thấp, chưa đủ sức răn đe…
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và có hiệu lực kể từ 01/01/2021, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, thành phố Hà Nội đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý môi trường đối với tất cả lĩnh vực môi trường; Bộ có cơ chế tài chính đặc thù trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, dự án trọng điểm; đầu tư các công trình xử lý môi trường; xây dựng và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xả thải ra môi trường cho phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị