Hà Nội xử lý 120 vụ vi phạm về hàng hóa, thực phẩm nhập lậu dịp tết Trung thu

Trong công tác tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra, kiêm soát thị trường, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp tết Trung thu năm 2024, Cục QLTT thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tập trung kiểm tra, kiểm soát nhóm mặt hàng bánh, nguyên liệu làm bánh trung thu, đồ chơi trẻ em, xuất bản phẩm sách giáo khoa, thiết bị, đồ dùng học tập phục vụ năm học mới 2024-2025.

Kết quả từ ngày 06/8/2024 đến ngày 19/9/2024, lực lượng QLTT thành phố Hà Nội đã kiểm tra và xử lý 120 vụ, phạt hành chính số tiền 970,250 triệu đồng, xử lý hàng hóa vi phạm trị giá 1,160 tỷ đồng; tạm giữ, xử lý tiêu hủy/buộc tiêu hủy các sản phẩm thực phẩm, bánh kẹo các loại, đồ chơi trẻ em nhập lậu, tổng giá trị 1,160 tỷ đồng, trong đó có hơn 20.000 chiếc bánh trung thu các loại nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm trị giá 298,256 triệu đồng.

Lượng lớn bánh trung thu nhập lậu bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT thành phố Hà Nội

Một số vụ việc điển hình, cụ thể Đội Cảnh sát kinh tế – Công an quận Tây Hồ, Hà Nội phối hợp với Đội QLTT số 9 phát hiện, thu giữ tổng số 560 chiếc bánh trung thu nhãn hiệu Withyoung do nước ngoài sản xuất. Ngay sau đó, tổ công tác đã lập biên bản tịch thu toàn bộ số bánh trên, tiêu huỷ và xử lý về hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu đối với chủ hàng theo quy định. Tiếp đến Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, thu giữ 1 xe tải chở khoảng 9 tấn thực phẩm gồm: bánh trung thu, kẹo, rượu… không rõ nguồn gốc, xuất xứ chuẩn bị được đưa ra thị trường phục vụ tết Trung Thu. 

Tại tầng hầm C2 chung cư UDIC Westlake, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Tây Hồ phối hợp với Đội QLTT số 9 kiểm tra xe ô tô tải đang dừng đỗ bốc xếp hàng hóa có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra phát hiện số lượng lớn sản phẩm may mặc, quần áo không hóa đơn, chứng từ… Qua làm việc, lái xe N.T.A (SN 1994), trú tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên khai nhận số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ thuộc sở hữu của anh N.Q.V (SN 1996), ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Kết quả có 2.480 sản phẩm quần áo các loại, với tổng trị giá khoảng 86.550.000 đồng. Anh V khai nhận số hàng nhập lậu đang mang đi tiêu thụ.

Liên quan tới việc đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, mới đây Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Quyết định số 4227 về việc phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản thành phố đến năm 2030.

Đề án nhằm mục tiêu nâng cao năng lực hoạt động quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; duy trì, ổn định nguồn cung thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất tại Hà Nội và kiểm soát toàn diện chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm từ các tỉnh, thành trong cả nước và sản phẩm nhập khẩu đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội; phát triển bảo quản, chế biến, chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, chất lượng, giá trị gia tăng cao…

Mục tiêu cụ thể của đề án là 100% cán bộ làm công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường, hội viên các Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên các cấp được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; 100% người quản lý, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản có kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm

An Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích