Hà Nội: Xét xử trực tuyến nhiều vụ án liên quan đến ma tuý

Điểm cầu trung tâm được trang bị hệ thống điều khiển, hệ thống âm thanh và 3 màn hình kích thước lớn hiển thị thông tin, hình ảnh điểm cầu thành phần để Hội đồng xét xử và những người tham gia phiên tòa theo dõi.

Tại điểm cầu Trại tạm giam số 1 – Công an thành phố Hà Nội, một căn phòng đặc biệt được chỉnh trang, lắp đặt các hệ thống nghe, nhìn, thu, phát tín hiệu đến điểm cầu trung tâm. Trong căn phòng này, ngoài bị cáo còn có lực lượng liên quan làm nhiệm vụ giữ trật tự phiên tòa cũng như đảm bảo phiên tòa trực tuyến không bị gián đoạn.

Hình ảnh, âm thanh lời nói của các bên rõ ràng, thông suốt, không bị gián đoạn và quá trình xét xử diễn ra công khai, thông tin rõ ràng. Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng cử cán bộ trực tiếp có mặt tại điểm cầu Trại tạm giam số 1 để có thể ngay lập tức xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình phiên tòa trực tuyến diễn ra.

Bị cáo tham gia phiên tòa ngay tại nơi đang bị giam giữ là điểm cầu Trại tạm giam số 1 – Công an thành phố Hà Nội.

Hà Nội: Xét xử trực tuyến nhiều vụ án liên quan đến ma tuý
Hội đồng xét xử trực tuyến do Thẩm phán Phạm Văn Tiến làm Chủ tọa phiên tòa.

Tại phiên tòa thứ nhất, Hội đồng xét xử do thẩm phán Hoàng Liên Sơn làm Chủ tọa phiên tòa xét xử, bị cáo Cầm Văn Tuấn về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Theo bản cáo trạng số 51/CT-VKSHBT-HS ngày 16/3/2023, Viện Kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng đã truy tố Cầm Văn Tuấn về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo điểm c, khoản 1, Điều 249 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa xét xử trực tuyến, bị cáo Cầm Văn Tuấn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Sau khi xem xét các tình tiết, chứng cứ của vụ án, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Cầm Văn Tuấn 24 tháng tù.

Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước tiến mới trong ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tòa án, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Tại phiên tòa thứ hai, Hội đồng xét xử do thẩm phán Trần Hữu Nam làm Chủ tọa phiên tòa xét xử bị cáo Bạch Ngọc Toản về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Theo bản cáo trạng 55/CT-VKSHBT-HS ngày 21/3/2023, Viện Kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng truy tố Bạch Ngọc Toản về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo điểm c, khoản 1, Điều 249 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa xét xử trực tuyến, bị cáo Bạch Ngọc Toản thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Sau khi xem xét các tình tiết, chứng cứ của vụ án, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Bạch Ngọc Toản 15 tháng tù.

Tại phiên tòa thứ ba, Hội đồng xét xử do thẩm phán Phạm Văn Tiến làm Chủ tọa phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Lạc về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Theo bản cáo trạng 39/CT-VKSHBT ngày 14/3/2023, Viện Kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng đã truy tố Nguyễn Văn Lạc về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo điểm c, khoản1, Điều 249 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa xét xử trực tuyến, bị cáo Nguyễn Văn Lạc thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Sau khi xem xét các tình tiết, chứng cứ của vụ án, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Lạc 38 tháng tù.

Hà Nội: Xét xử trực tuyến nhiều vụ án liên quan đến ma tuý
Bị cáo tại điểm cầu Trại tạm giam số 1 – Công an thành phố Hà Nội.

Các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến được mở theo tinh thần Nghị quyết số 33/2021/QH15, ngày 12/11/2021 Quốc hội khóa XV và Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Phiên tòa trực tuyến diễn ra trang nghiêm, trật tự, đúng quy định pháp luật tố tụng hình sự, bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo và cá nhân tham gia tố tụng như phiên tòa trực tiếp. Cán bộ kỹ thuật, cán bộ hỗ trợ điểm cầu thành phần và những người tiến hành tố tụng có sự phối hợp tốt trong công tác xét xử trực tuyến; hệ thống đường truyền ổn định; âm thanh chất lượng, hình ảnh rõ nét. Phiên tòa được ghi âm, ghi hình có âm thanh dưới dạng dữ liệu điện tử.

Nói về việc tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến, ông Phạm Xuân Thủy – Phó Chánh án phụ trách Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng cho biết: “Phiên tòa xét xử trực tuyến không ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, mà còn giúp cho đơn vị giải quyết tình trạng hoãn các phiên tòa do vắng mặt bị cáo và nhiều người tham gia tố tụng vì nhiều lý do khách quan như từ trước tới nay, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp. Ngoài ra, việc xét xử trực tuyến còn đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, đảm bảo việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ vụ án, giảm thiểu chi phí, thời gian, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án”.

Ông Phạm Xuân Thủy cũng cho biết các phiên tòa xét xử trực tuyến có ý nghĩa thiết thực trong công tác đào tạo, tập huấn kỹ năng điều hành phiên tòa cho đội ngũ thẩm phán Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, góp phần nâng cao được trình độ, kỹ năng xử lý các tình huống tại phiên tòa trực tuyến, tích lũy kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Trung bình mỗi năm, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng thụ lý gần 2.000 vụ án các loại. Với số lượng án nhiều như vậy, đội ngũ cán bộ, thẩm phán gặp không ít khó khăn, áp lực về công việc. Sự ra đời của Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến đã tạo cơ sở pháp lý để đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động xét xử.
Thanh Thủy

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích