Hà Nội và bụi mịn
Ta quen gọi Sapa là thành phố sương mù, khi nơi đây bốn mùa đều bao phủ một màn sương dày đặc. Thế nhưng những năm gần đây, ngay giữa lòng Thủ đô, người dân Hà Nội lại thường xuyên được chứng kiến khung cảnh tương tự. Sự xuất hiện của “màn sương mù” này ngày càng nhiều với tần suất ngày càng cao, khiến không ít người dân cảm thấy hoang mang.
Vậy chuyện gì đang xảy ra với không khí Hà Nội?
“Thành phố sương mù”
Khác với sương mù Sapa, “màn sương” của Thủ đô được giới nghiên cứu cho rằng, phần lớn là bụi mịn. Bụi mịn hay còn gọi là PM2.5 – một thực trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Cụ thể, giai đoạn 2015 – 2020, Chính phủ đánh giá, mặc dù chất lượng môi trường không khí mỗi năm có khác nhau, song tình trạng ô nhiễm bụi mịn tại Hà Nội luôn là một trong những vấn đề nóng đặt ra nhiều thách thức. Nhận định đó được đưa ra dựa trên tham khảo từ nhiều số liệu tại các tổ chức nghiên cứu môi trường.
Theo Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Hội thảo Quản lý chất lượng không khí TP. Hà Nội, nồng độ trung bình bụi mịn PM2.5 từ năm 2015 đến nay của TP. Hà Nội đều ở mức cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia 25 µg/m3 và cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn WHO.
Cụ thể, năm 2015 nồng độ bụi mịn toàn thành phố chiếm hơn 50 µg/m3. Đến năm 2019 – 2020 tuy có giảm nhưng vẫn đạt mức 45 µg/m3.
Cũng theo Báo cáo này, 40% dân số Hà Nội (khoảng 3,5 triệu người) đã bị ảnh hưởng nồng độ bụi trên 45 µg/m3, gấp 5 lần tiêu chuẩn của WHO.
Đây dường như là những con số biết nói đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo về vấn đề chất lượng môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng.
Theo PGS.TS. Hoàng Anh Lê, Khoa Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, thực trạng ô nhiễm không khí Thủ đô nhiều năm qua đang trở nên đầy báo động. Một trong số đó, chúng ta cần lưu tâm là vấn đề ô nhiễm bụi mịn PM2.5.
“Tôi vừa kết thúc chương trình nghiên cứu hợp tác cùng nước Anh với kết quả cho thấy, các nguyên tố trong bụi mịn PM2.5 lấy ở TP. Hà Nội đều cao hơn các mẫu tương ứng ở TP.HCM và vượt quá tiêu chuẩn PC05 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Điều này rất đáng lo ngại đối với chất lượng môi trường không khí của Thủ đô”, ông Hoàng Anh Lê chia sẻ.
Trước thực trạng “sương mù” PM2.5 ngày càng phủ kín, nhiều người tỏ ra quan ngại, lo lắng và tự hỏi nguyên nhân do đâu.
Nguồn gốc nào cho sự xuất hiện của PM2.5?
Theo kết quả kiểm kê được công bố của nhóm nghiên cứu trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với trưởng nhóm là PGS.TS. Hoàng Anh Lê, trong vụ Đông Xuân 2021, sau thu hoạch, lượng rơm rạ khô bỏ lại trên đồng ruộng là 1.936 tấn, tỷ lệ rơm rạ bị đốt trên toàn thành phố vụ này khá cao, lên tới 43,2%. Đáng chú ý, các chất ô nhiễm từ hoạt động đốt rơm rạ có thể lan trong không khí, ảnh hưởng đến cả những người sống cách xa khu vực đốt rơm rạ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bụi mịn PM2.5 của TP. Hà Nội.
“Do ảnh hưởng của Covid-19, người dân ở nhà nhiều, nhu cầu canh tác đồng ruộng tăng lên, làm thêm cả những phần đất trước đây đã bỏ không. Nắng nóng và do nhu cầu giải phóng đồng ruộng cho mùa vụ mới nên phần lớn rơm rạ bị đốt bỏ.
Các huyện có tỷ lệ phát thải bụi mịn cao do đốt rơm rạ cũng đồng thời là những nơi có diện tích trồng lúa lớn là Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đông Anh và Mê Linh”, ông Lê nói.
Bà Katelijn Van den Berg, chuyên gia môi trường cao cấp World Bank tại Việt Nam cũng chia sẻ về kết quả 1 năm quan trắc chất lượng không khí và phân tích thành phần nguồn thải tại nước ta. Từ đó, bà chỉ ra rằng nồng độ bụi PM2.5 cao nhất đo được là vào những ngày có hiện tượng đốt sinh khối trong đó có việc đốt rơm rạ.
Cụ thể, nồng độ carbon hữu cơ từ quá trình cháy sinh khối chiếm khoảng 20%. Nồng độ nền ổn định của cacbon từ quá trình đốt cháy liên tục và phát thải từ đốt than và giao thông chiếm ít hơn 10%. Nguồn phát thải công nghiệp liên quan đến chì, thiếc chiếm khoảng 10% phát thải bụi PM2.5. Tuy nhiên, nguồn phát thải này có một phần pha trộn với các hợp chất có nguồn gốc công nghiệp.
Ngoài các nhân tố trên thì một nửa bụi mịn của thành phố còn được hình thành từ bụi thứ cấp (do quá trình phản ứng trong không khí). Chỉ 1/3 bụi mịn đến từ các nguồn thải trên địa bàn Hà Nội, còn lại đến từ các tỉnh lân cận, khu vực đồng bằng sông Hồng, vận chuyển quốc tế và nguồn từ tự nhiên.
Như vậy, có rất nhiều nhân tố là nguồn gốc cho sự ra đời của bụi mịn PM2.5 ở TP. Hà Nội. Tình trạng này đang ngày càng gia tăng và thầm lặng tàn phá sức khoẻ cũng như cuộc sống của người dân Thủ đô.
“Sát thủ” thầm lặng
Chia sẻ về mức độ gây hại của bụi mịn đến sức khoẻ con người, PGS.TS. Hoàng Anh Lê cho rằng, bụi mịn là một thành phần chứa các chất ô nhiễm có trong môi trường. Bụi mịn có khả năng đi sâu vào các cơ quan hô hấp trong cơ thể con người và việc này khó có thể phân biệt bằng mắt thường nên ta thường gọi nó là “sát thủ thầm lặng”. Tuy nhiên, phải nghiên cứu kỹ các thành phần bám trên thành bụi mịn mới có thể đánh giá được mức độ nguy hiểm.
“Từ năm 2002 đến 2010, chúng tôi có một dự án lớn giữa trường Đại học Khoa học Tự nhiên với Thuỵ Điển về vấn đề phân tích các độc tính của thành phần bụi mịn PM2.5. Chính độc tính ấy mới quyết định có hay không sự độc hại đối với cơ thể người”, PGS.TS. Hoàng Anh Lê chia sẻ.
Ngày nay cũng có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến vấn đề này. Tất cả đều cho thấy, độc tính của bụi mịn ở Hà Nội rất đáng lo ngại so với một số thành phố khác trong nước và quốc tế.
Theo vị chuyên gia, hậu quả nhãn tiền của bụi mịn trước hết là gây mất mỹ quan đô thị, sau đó là giảm tầm nhìn. Về lâu dài, bụi mịn sẽ có ảnh hưởng nhất định đến sức khoẻ con người.
“Chúng ta cần đặt câu hỏi là nó sẽ tác động như thế nào đến sức khoẻ của người dân? Điều này đã được các công trình nghiên cứu trên thế giới phân tích. Cụ thể là các vấn đề liên quan đến đường hô hấp như tắc phẽn phổi mãn tính, hen suyễn. Đặc biệt, hai bệnh này sẽ gặp ở những đối tượng nhạy cảm với môi trường không khí như người già và trẻ nhỏ.
Chúng ta chưa có điều kiện để làm nghiên cứu sâu hơn nhưng theo hiểu biết của tôi, bụi mịn còn có khả năng tác động đến hệ thần kinh. Trong nghiên cứu của một bài báo, tuỳ thuộc vào thành phần của bụi mịn chứa nhiều chất magie hay không sẽ quyết định đến độ bám dính lên màng não gây ảnh hưởng đến trí nhớ. Từ đó họ kết luận rằng, người ở các thành phố lớn có khả năng mất trí nhớ nhanh hơn do ảnh hưởng của nồng độ bụi PM2.5 trong không khí cao hơn.
Một nghiên cứu khác của một trường đại nước Bỉ về hậu quả của bụi mịn cũng khiến ta trăn trở là khả năng bám dính lên bào thai, ảnh hưởng đến sức khoẻ của thai nhi”, PGS.TS. Lê nhấn mạnh.
Theo Báo cáo được World Bank công bố, số lượng người tử vong bắt nguồn từ bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội đang ngày càng tăng cao. Cụ thể, Hà Nội có tới 5.800 người tử vong (chiếm 32%), Hưng Yên có 1.700 tử vong (chiếm 9%), 3.100 người tử vong tại 4 tỉnh miền núi và Bắc Trung bộ (chiếm 17%), 41% còn lại là số người tử vong ở 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Chi phí y tế và phúc lợi xã hội cứu chữa cho các bệnh do bụi mịn gây ra cũng đạt một con số kỷ lục. Trong đó, Hà Nội chiếm 7,74% GRDP, khu vực đồng bằng sông Hồng chiếm 5,9% GRDP, khu vực các tỉnh miền núi Bắc Trung bộ chiếm 5,29 GRDP.
Trước những hậu quả nói trên, việc cải thiện và nâng cao chất lượng không khí, đẩy lùi tình trạng bụi mịn ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là hết sức cần thiết. Đi tìm lời giải cho bài toán này, chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng của thành phố cần tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch; xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp; giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường; đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị.
Bên cạnh vấn đề đốt phế thải nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường, khí thải do các phương tiện giao thông cũng là một tác nhân gây ra bụi mịn. Theo đó, thành phố cần kiểm tra lượng xả thải của các loại xe đang lưu thông và dừng vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải.
Mặt khác, Hà Nội cần phát triển nhanh hơn nữa mạng lưới giao thông công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành; đẩy nhanh tiến độ di dời trường đại học, trụ sở cơ quan ra khỏi nội đô để dành đất phát triển không gian xanh.
“Thời gian tới, các cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn; đồng thời lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát. Đồng thời, Hà Nội cần thúc đẩy các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý môi trường; xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm không khí”, PGS.TS. Hoàng Anh Lê đề xuất./.