Hà Nội: UBND quận Bắc Từ Liêm cần tạm dừng cưỡng chế, xem xét các kiến nghị của người dân
(Xây dựng) – Dù đã đóng thuế đất hơn 20 năm nay và được tính là thuế đất ở tại đô thị, nhưng hộ ông Lê Văn Thanh vẫn bị liệt vào trường hợp đất nông nghiệp không giao để thu hồi không đồng. Chính UBND quận Bắc Từ Liêm đã đề xuất với UBND Thành phố Hà Nội cho hộ ông Thanh mua căn hộ tái định cư và được đồng ý, nhưng cũng chính quận này lại không thực hiện bố trí tái định cư cho ông Thanh theo chỉ đạo của Thành phố Hà Nội…
Dù chưa được bố trí tái định cư theo chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội nhưng quận Bắc Từ Liêm vẫn ra thông báo cưỡng chế vào 8h00 sáng ngày 15/12/2022. |
Những vấn đề nói trên là mấu chốt dẫn tới sự bất bình trong nhân dân, sự không đồng thuận bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án cải tạo thoát nước sông Pheo đoạn qua phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
Như đã thông tin trước đó, hộ gia đình ông Lê Văn Thanh có hộ khẩu thường trú tại số 142, tập thể Công ty Việt Hà, tổ dân phố Phú Minh, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội đang đứng trước nguy cơ bị đẩy ra khỏi nhà, cả gia đình gồm 4 người sắp phải sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất” chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ đồng hồ nữa nếu Thông báo số 1314/TB-UBND ngày 06/12/2022 về việc cưỡng chế thu hồi đất vào lúc 8 giờ sáng ngày 15/12/2022 được thực thi.
Về nguồn gốc đất, ông Thanh cho biết: Công ty Việt Hà – Bộ Quốc phòng do ông Phạm Mạnh Cường là Giám đốc bàn giao mảnh đất có ký hiệu S1(K3+595 – K3+617 ) cho ông Phạm Đức Thắng với diện tích 253m2 sử dụng, có biên bản bàn giao ký ngày 20/03/1996.
Sau đó, ông Phạm Đức Thắng bán cho người khác và qua nhiều lần mua bán giữa nhiều người, đến năm 2010 ông Lê Văn Thanh mua lại của ông Văn Tiến Công 1 phần diện tích đất nói trên và sử dụng cho đến ngày nay.
Dù được ghi nhận là đóng “thuế đất ở tại đô thị” nhưng khi thu hồi quận Bắc Từ Liêm vẫn đưa vào dạng đất nông nghiệp không giao để không bồi thường, không bố trí tái định cư. |
Kể từ năm 1996 cho đến năm 2020, phần diện tích đất của ông Thanh vẫn được đóng thuế với tính chất là thuế nhà, đất hoặc thuế đất ở tại đô thị được ghi rõ trên các biên lai thu thuế. Chính vì vậy, ông Thanh cho rằng, UBND quận Bắc Từ Liêm lấy lý do là đất nông nghiệp chưa giao để thu hồi đất của gia đình ông với giá không đồng và không bố trí tái định cư bằng đất, nhà chung cư là không hợp lý, không thuyết phục nên gia đình ông rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, không có chỗ ở, không có tiền để tái định cư (theo Quyết định số 6747/QĐ-UBND ngày 04/12/2020).
Danh sách các hộ được bố trí mua căn hộ tái định cư tại toà nhà G9 Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội theo Văn bản số 3088/UBND-TNMT ngày 19/7/2018 của chính UBND quận Bắc Từ Liêm và đã được UBND Thành phố Hà Nội đồng ý. |
Lạ lùng ở chỗ, năm 2018 UBND Thành phố Hà Nội đã đồng ý bố trí 05 căn hộ tái định cư tại nhà G9, Trung Văn, quận Nam Từ Liêm tại Văn bản số 6743/VP-ĐT ngày 28/8/2018 trên cơ sở đề nghị của chính UBND quận Bắc Từ Liêm tại Văn bản số 3088/UBND-TNMT ngày 19/7/2018. Trong 05 trường hợp được quận này đề nghị bố trí mua căn hộ tái định cư thì có hộ ông Lê Văn Thanh.
Tuy có sự “bất nhất” như vậy nhưng cơ quan chức năng quận này không có văn bản giải thích rõ ràng đến người dân và cũng không hề cung cấp các văn bản thể hiện người dân được UBND Thành phố đồng ý cho mua căn hộ tái định cư. Chủ trương cho mua căn hộ tái định cư là tinh thần tốt đẹp, nhân văn và rất công bằng của Thành phố đã được quận này áp dụng như thế nào, 05 căn hộ để bố trí tái định cư nói trên đã thuộc về tay ai?
Tuy nhiên đến năm 2020, cũng chính quận này lại cho rằng hộ ông Lê Duy Thanh không đủ điều kiện tái định cư bằng đất, căn hộ. |
Ngoài ra, theo người dân, đến nay người dân yêu cầu cơ quan chức năng quận Bắc Từ Liêm cung cấp bản đồ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, các mốc giới, lộ giới, toạ độ tại khu vực này để nắm rõ về dự án này, khu vực thu hồi nhưng cũng không ai cung cấp.
Từ những căn cứ trên, đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND quận Bắc Từ Liêm tạm dừng việc cưỡng chế để làm rõ một số nội dung người dân phản ánh. Đồng thời, xem xét kiến nghị của người dân trong việc mua căn hộ tái định cư theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội trước khi tiến hành thu hồi, giải phòng mặt bằng.
Nguồn: Báo xây dựng