Hà Nội: Từ 2025 hộ gia đình nào không thực hiện phân loại rác sẽ bị xử phạt

Theo số liệu của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), mỗi ngày cả nước thải ra khoảng 68.000 tấn rác thải, trong đó khu vực đô thị thải ra hơn 38.000 tấn rác. Tỷ lệ thu gom toàn quốc đạt trên 88%. Phần lớn rác thải được thu gom đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp với khoảng hơn 76%. Trong đó nhiều khu vực chôn lấp chưa hợp vệ sinh, gây tốn tài nguyên đất và tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Các nghiên cứu đã chỉ ra việc phân loại đã giúp giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý, tăng lượng rác thải có thể tái chế, tái sử dụng. Từ đó góp phần giảm lượng rác thải phải chôn lấp hoặc đốt, tiết kiệm tài nguyên đất và giảm ô nhiễm môi trường. Thống kê cho thấy, nếu thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn sẽ giúp giảm 60-75% lượng rác là rác thực phẩm, giảm 15-20% lượng rác là rác tái chế, chỉ còn khoảng 25-30% rác thải phải mang đi chôn lấp hoặc xử lý tại các nhà máy.

Nhận thức rõ được tầm quan trọng này Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ ngày 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Đến thời điểm đó, nếu không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt gây ra không ít hệ lụy cho môi trường và sức khỏe. Ảnh: Dân Trí

Về vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông tin, trung bình mỗi ngày thành phố Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Ước tính, số rác thải của Hà Nội tăng thêm khoảng 5% mỗi năm và đến năm 2030 mỗi ngày sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại. Từ nay đến ngày 31/12 là khoảng thời gian giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải, làm quen với phân loại rác thải hàng ngày và coi đó như một tập quán trong đời sống.

Sau đó, theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác theo quy định sẽ bị xử phạt và phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Theo Luật Bảo vệ môi trường, chậm nhất ngày 31/12, các địa phương chính thức thực hiện phân loại rác tại nguồn. Hà Nội đang thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn 6 quận gồm Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Nam Từ Liêm và Hoàng Mai, tiến tới việc triển khai nhân rộng tại 30 quận, huyện, thị xã từ ngày 1/1/2025 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, từ ngày 1/6, 23 phường thuộc 5 quận bao gồm quận Hai Bà Trưng thí điểm tại phường Phạm Đình Hổ, quận Ba Đình tại phường Nguyễn Trung Trực, quận Nam Từ Liêm áp dụng tại hai phường Phú Đô, Cầu Diễn, quận Đống Đa tại phường Nam Đồng đều đồng loạt có các điểm quy tập rác. Riêng quận Hoàn Kiếm do đã có nền tảng từ trước nên sẽ thí điểm ở cả 18 phường.

Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân thành 4 loại gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (các loại giấy, nhựa, kim loại); Chất thải cồng kềnh (tủ, giường, nệm, bàn, ghế); Chất thải nguy hại (pin, ắc-quy, bóng đèn, chai lọ đựng hóa chất, sơn mực, ti-vi, tủ lạnh); Chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải thực phẩm và rác thải khác).

Để triển khai hiệu quả mô hình, URENCO Hà Nội cùng với các quận, tổ dân phố đã phối hợp với các hội, đoàn thể đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động phát tài liệu, tờ rơi giới thiệu về cách thức phân loại rác, phổ biến kế hoạch, thời gian thu gom từng loại rác để người dân hiểu và thực hiện.

Cụ thể, đối với rác có khả năng tái chế như giấy, sách vở, bìa, cốc nhựa, vỏ chai… các phường bố trí điểm tập kết và thu gom theo thời gian cố định 2 lần/tuần. Đối với rác thải cồng kềnh như tủ, bàn, ghế… bố trí địa điểm để người dân tập kết từ 7 giờ đến 11 giờ thứ bảy hằng tuần. Với rác thải nguy hại như bóng đèn, pin, nhiệt kế, ắc-quy, bao bì dầu mỡ, sẽ thu tại điểm tập kết riêng còn các loại rác thải khác thu gom trực tiếp hằng ngày đưa đi xử lý.

Phương án phân loại rác tại nguồn bước đầu đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Tuy nhiên, một số chuyên gia môi trường băn khoăn về cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý rác thải sau phân loại của các công ty vệ sinh môi trường chưa theo kịp hoặc chưa được đầu tư đồng bộ có nguy cơ dẫn đến đổ vỡ như năm 2006 đã triển khai.

Hiện, nhiều phường ở Hà Nội có mật độ dân cư đông đúc, hạ tầng kỹ thuật đã được hoàn thiện, ổn định, để lựa chọn được một điểm tập kết đối với rác cồng kềnh là không dễ dàng. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự đồng bộ từ khi phân loại, thu gom đến xử lý để tránh tình trạng người dân phân loại xong đến lúc thu gom thì dồn đống, gây ô nhiễm và mất cảnh quan.

Bên cạnh đó phải bố trí thùng đựng từng loại rác thải có ký hiệu riêng để người dân dễ nhận biết và thuận lợi trong việc phân loại. Đầu tư xe thu gom kín để không phát tán mùi gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nơi tập kết rác thải cũng phải được phân loại riêng và phải chọn công nghệ xử lý phù hợp đối với từng loại rác.

Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13753:2023 về cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt – yêu cầu thiết kế

Ngày 31/8/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định 1982/QĐ-BKHCN về việc công bố Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13753:2023. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu thiết kế xây dựng mới, cải tạo đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, được áp dụng với quy mô công suất từ 50 tấn/ngày đêm. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại.

Theo đó khi thiết kế cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt có địa điểm và giải pháp công nghệ cơ bản phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các quy hoạch liên quan được phê duyệt và phương án phân loại chất thải rắn tại nguồn của địa phương để xác định khối lượng, quy mỏ, tính chất đặc thù chất thải rắn thuộc phạm vi được thiết kế thu gom, xử lý.

Khi lựa chọn giải pháp thiết kế bố trí, lắp đặt các hạng mục công trình hoặc lắp đặt cải tạo đi kèm với công nghệ thiết bị lò phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật xây dựng, vật liệu đảm bảo độ bền, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh và có so sánh các giải pháp kinh tế, kỹ thuật phù hợp với đặc điểm khu vực, mức độ quy mô yêu cầu an toàn chịu lực, vệ sinh môi trường, có khoảng cách bố trí hợp lý giữa các hạng mục đảm bảo thuận tiện, an toàn, tối ưu hóa trong quá trình vận hành sửa chữa/bảo trì.

Cho phép đối với một số hạng mục có thể hợp khối giữa các công trình nhưng vẫn cần bố trí không gian phù hợp đảm bảo tối ưu hóa vận hành, an toàn, thuận tiện cho người và phương tiện thiết bị trong quá trình lắp đặt, vận hành, sửa chữa.

Cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt thiết kế xử lý riêng cho chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên để tăng hiệu quả nhiệt trong giới hạn cho phép, tùy theo các điều kiện cụ thể của địa phương có thể kết hợp xử lý với chất thải công nghiệp thông thường.

Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành. Không khuyến khích đầu tư cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ có phạm vi phục vụ trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp xã. Chất thải rắn sinh hoạt phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích