Hà Nội: Truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại gần 100 bếp ăn khu công nghiệp
Hà Nội: Truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại gần 100 bếp ăn khu công nghiệp
Thời gian qua, các đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đơn vị cung cấp các suất ăn cho công nhân.
Vẫn phát hiện nhiều vi phạm
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng ATTP, truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với bếp ăn tập thể một số khu công nghiệp và chế xuất, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố từ đầu năm 2023 đến nay.
Theo đó, tổng số 96 bếp ăn tập thể đã được kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, gồm: 60 bếp ăn trong Khu công nghiệp; 36 bếp ăn ở các cụm công nghiệp; 30 cơ sở cung cấp thực phẩm.
Theo kết quả kiểm tra giám sát, tình trạng vi phạm đã giảm so với những năm gần đây, song vẫn còn. Cụ thể, về hồ sơ pháp lý thủ tục, có 52/60 bếp ăn tập thể xuất trình sổ kiểm thực 3 bước, còn 8 bếp ăn tập thể chưa đúng quy định.
Về lưu mẫu thức ăn, 58/60 cơ sở lưu mẫu thức ăn đúng quy định; còn lại 2/60 cơ sở không đúng quy định, không niêm phong mẫu, lượng mẫu lưu chưa đủ theo quy định.
Có 51/60 cơ sở (chiếm 85,5%) đã bố trí khu vực chế biến riêng biệt, cách xa nguồn ô nhiễm, phân khu riêng biệt giữa thực phẩm sống và chín, phù hợp với công năng phục vụ. 15% số bếp ăn tập thể còn lại chưa đạt, một số bếp tường, nền bong tróc, vỡ, ẩm mốc.. Hay về trang bị hệ thống lưới chắn côn trùng, qua kiểm tra vẫn còn 3/60 cơ sở không đạt (tỷ lệ 5%).
Các đoàn kiểm tra đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh 474/548 mẫu (tỷ lệ đạt 86,5%); tức còn 13,5% số mẫu không đạt. Lấy mẫu xét nghiệm tại Labo 110 mẫu, kết quả có 107 mẫu đạt (97,3%), 3 mẫu không đạt (2,7%).
Cũng qua kiểm tra truy xuất nguồn gốc tại 29 nhà cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, vẫn còn một số đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả, bún và bánh phở) chưa chứng minh được nguồn gốc đến tận vùng trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt…
Tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm
Theo TS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng quốc gia, tại các bếp ăn tập thể, nếu môi trường không bảo đảm vệ sinh, vi khuẩn từ đất, nước, không khí ô nhiễm có thể xâm nhập vào dụng cụ chứa đựng, chế biến thức ăn. Nếu người chế biến thực phẩm không mang găng tay, để thực phẩm sống và chín gần nhau, dùng chung dao thớt cũng làm tăng nguy cơ gây ngộ độc.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 93 vụ với 1.617 người bị ngộ độc thực phẩm, 21 người tử vong. Trong số này, không ít vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện nay việc cung cấp bữa ăn bán trú, bữa ăn ca tại các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục rất phổ biến, đa dạng với rất nhiều hình thức khác nhau.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát ATTP, thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quy định pháp luật của các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp và trường học, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và học sinh.
Do vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP tại bếp ăn tập thể. Trong đó, cần tập trung vào việc rà soát từ nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người, chú trọng truy xuất nguồn gốc, chất lượng thực phẩm.
Hiện tại trên địa bàn TP có 76.807 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thuộc lĩnh vực 3 ngành quản lý Y tế, Nông nghiệp, Công thương.
Trong đó, ngành Y tế quản lý 41.632 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, trong đó bếp ăn tập thể 5.159 bếp (bếp ăn tập thể khu công nghiệp 309 bếp nằm tại 9 khu công nghiệp và chế xuất; còn lại bếp ăn tập thể trường học, cơ quan, xí nghiệp 4.850 bếp).
Qua công tác kiểm tra, ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được nâng cao hơn
Trực tiếp kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đánh giá, được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự phối kết hợp chặt chẽ các ngành trên địa bàn thành phố, đặc biệt giữa ngành Y tế và ban quản lý các khu công nghiệp và chế suất, cụm công nghiệp đã chỉ đạo sát sao, trọng tâm, trọng điểm trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nên công tác an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể đã chủ động thực hiện nghiêm túc và hệ thống.
Tuy nhiên, các công ty còn chưa thực hiện thường xuyên công tác truy xuất nguồn gốc định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể.
Một số cơ sở vệ sinh trang thiết bị và dụng cụ ăn uống còn chưa đảm bảo sạch sẽ, cơ sở vật chất bắt đầu xuống cấp nhưng chưa được bổ sung sửa chữa kịp thời.
Thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện và Ban Quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở, lãnh đạo quản lý và người tham gia chế biến thực phẩm; Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.
Được biết, trên địa bàn TP.Hà Nội, tổng số 96 bếp ăn tập thể, trong đó: Khu công nghiệp 60 bếp; cụm công nghiệp 36 bếp; 30 cơ sở cung cấp thực phẩm được kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Tổng số nhà cung cấp nguyên liệu chế biến cho bếp ăn tập thể: 710 cơ sở, trong đó: 27 cơ sở (chiếm tỷ lệ 3,8%) là nhà cung cấp ngoài thành phố chủ yếu tập trung vào các tỉnh như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Mộc Châu, Sơn La là nhóm chính cung cấp rau và thịt; còn Quảng Ninh, Nghệ An… là nhóm cung cấp các thuỷ hải sản
Duy Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị