Hà Nội triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước
Hà Nội triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước
UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 trên địa bàn thành phố.
Để thống nhất trong việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước, kế hoạch đề ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, quy định rõ việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành, duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước trong hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường của thành phố; xác định, công bố chức năng đối với nguồn nước mặt nội tỉnh trong trường hợp chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch chưa thể hiện chức năng nguồn nước.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp, tham mưu UBND thành phố tổ chức lập, công bố, điều chỉnh danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước; phê duyệt, điều chỉnh phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, kế hoạch, phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước cho UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã để quản lý, bảo vệ; tổ chức điều tra xác định, điều chỉnh vị trí, giá trị dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh; kiểm soát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt; xác định và tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên cơ sở đề xuất của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt theo quy định…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình, hệ thống công trình thủy lợi, công trình cấp nước nông thôn và bảo đảm về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước và thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật Tài nguyên nước.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm: Rà soát, điều chỉnh các quy trình vận hành hồ chứa, công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, chống thất thoát, lãng phí nước và bảo đảm lưu thông của dòng chảy trong hệ thống công trình, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước; chỉ đạo tổ chức việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn nước, kịch bản nguồn nước, phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước theo quy định; áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm, hiệu quả…
Sở Công Thương Hà Nội thực hiện cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước và thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật Tài nguyên nước và quy định khác của pháp luật có liên quan…
Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình cấp, thoát nước đô thị, các khu dân cư nông thôn tập trung và khu chức năng thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước và thực hiện trách nhiệm khác theo quy định…
Bộ Tư lệnh Thủ đô, tổ chức thực hiện xây dựng, tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, sự cố mất an toàn đập, hồ chứa, ứng phó với sự cố, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn liên quan đến nước theo quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự, pháp luật về tình trạng khẩn cấp…
Công an thành phố xây dựng, tổ chức thực hiện phương án phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước; phối hợp, tổ chức lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố, thảm họa liên quan đến nước; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, khu vực xảy ra sự cố, thảm họa liên quan đến nước theo quy định của pháp luật…
Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 27-11-2023, có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2024.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị