Hà Nội: Triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2023
Hà Nội: Triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2023
Theo dõi MTĐT trên
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND về triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố năm 2023.
Theo đó, tại tuyến TP, năm 2023, Ban Chỉ đạo công tác ATTP triển khai 2 đợt kiểm tra liên ngành về ATTP. Kiểm tra liên ngành ATTP dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân năm 2023; Kiểm tra liên ngành ATTP trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2023.
Trong dịp Tết Trung thu, các Sở: Y tế, NN&PTNT, Công Thương chủ động chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác hậu kiểm sản phẩm/nhóm sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý quy định tại Quyết định số 28/2022/QĐ-UBND. Phân cấp quản lý về ATTP trên địa bàn TP Hà Nội.
Tại tuyến quận, huyện, thị xã: Căn cứ vào Kế hoạch của Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP, Ban Chỉ đạo công tác ATTP các quận, huyện, thị xã, xây dựng kế hoạch triển khai công tác hậu kiêm về ATTP năm 2023 tại quận, huyện, thị xã.
Kế hoạch cũng nêu rõ trọng tâm các hoạt động hậu kiểm bảo đảm chất lượng thực phẩm. Trong đó, tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm các khâu: Nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản; quá trình sản xuất, chế biến; nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.
Việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu trong chế biến thực phẩm; kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản; dư lượng, kháng sinh, dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.
Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; tiếp tục kiểm soát việc sử dụng salbutamol trong chăn nuôi; kiểm soát thực phẩm là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, nhập lậu; kiểm soát hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Nhóm sản phẩm có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng thuộc các nhóm hỗ trợ người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng cân, giảm cân…
Tăng cường, lấy mẫu và kiểm nghiệm sản phẩm thực phẩm. Đặc biệt nhóm sản phâm có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng thuộc các nhóm: Hỗ trợ người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng cân, giảm cân…
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm, trong đó, hậu kiểm các quy định về: Công bố sản phẩm đối với sản phẩm thực phẩm: Dinh dưỡng y học; thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ; tập trung hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
Tập trung hậu kiểm về công bố sản phẩm; điều kiện bảo đảm ATTP; thực phẩm nhập khẩu; ghi nhãn thực hiện theo quy định tại Chương VII Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ. Hậu kiểm về quảng cáo; sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố: Hậu kiểm việc chấp hành các quy định chung về bảo đảm ATTP, các yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP.
Việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm; kiểm soát bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, khu du lịch, lễ hội, sự kiện lớn và thức ăn đường phố.
Đối với cơ quan quản lý về ATTP: Kiểm tra trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan quản lý ATTP tập trung các nội dung. Việc triển khai công tác bảo đảm ATTP theo chức năng, nhiệm vụ; cấp, thu hồi bản công bô sản phẩm và sản phẩm thuộc đối tượng tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP; công tác thanh kiểm tra, hậu kiểm và xử lý vi phạm.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị