Hà Nội trải thảm đỏ sẵn sàng đón các nhà đầu tư, tập đoàn lớn
(Xây dựng) – Hà Nội yêu cầu các đơn vị phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động… để sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư, tập đoàn lớn; đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ để tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trung và dài hạn.
Trung tâm R&D mới của Samsung tại Hà Nội, với tổng mức đầu tư 220 triệu USD. |
Tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trung và dài hạn
Tại Công văn số 2303/UBND-KTN về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác xúc tiến, thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài của UBND TP. Hà Nội vừa ban hành yêu cầu các đơn vị bám sát định hướng của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ, chương trình xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm của thành phố; tham mưu các nội dung để lãnh đạo thành phố tham gia các đoàn Trung ương nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn, chất lượng, hiệu quả.
Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ban, ngành đề xuất triển khai, tổ chức kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án theo Danh mục dự án thu hút đầu tư thành phố Hà Nội đợt 1 năm 2024 ban hành tại Quyết định số 2186/QĐ-UBND. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu, hiệu quả thu hút đầu tư theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. Chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động… để sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư, tập đoàn lớn; đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ để tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trung và dài hạn.
Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Công ty TNHH Canon Việt Nam – doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). |
Một trong những nội dung quan trọng và nhận được sự quan tâm, đồng thuận của nhiều đơn vị, doanh nghiệp nước ngoài đó là Hà Nội tăng cường năng lực cán bộ thực thi, tập trung cải cách thủ tục hành chính và bộ máy hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; xử lý nhanh, đúng quy định pháp luật các thủ tục về đầu tư, kinh doanh; tuyệt đối không tùy tiện đặt ra các yêu cầu, điều kiện không phù hợp quy định pháp luật trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư; tổng hợp các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, nêu rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị và báo cáo, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo giải quyết cụ thể.
Cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng thời hạn chế độ báo cáo định kỳ theo quy định, bảo đảm thông tin cập nhật và chất lượng, đặc biệt là chế độ báo cáo trực tuyến trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”; chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND thành phố trong việc thực thi không đúng quy định liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài.
Thu hút đầu tư theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững
Hà Nội đã và đang xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng động doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho quá trình hội nhập và phát triển của Thủ đô. Dự kiến, năm 2024, Hà Nội phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 3,15 tỷ USD; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 2,15 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ khoảng 1 tỷ USD. Năm 2025, Hà Nội phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 2,7 tỷ USD; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 1,5 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ đạt khoảng 1,2 tỷ USD.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, thành phố sẽ thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực.
Từ 01/8/2023, Khu công nghiệp Hòa Lạc giao về UBND Thành phố Hà Nội quản lý. |
Đồng thời, tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa; đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với các tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước ngoài; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững.
Đánh giá về bức tranh tổng quát thu hút FDI trên địa bàn Thành phố Hà Nội thời gian gần đây, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Trong bối cảnh CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ; chiến tranh thương mại giữa các nước lớn; làn sóng dịch chuyển vốn FDI vào khu vực Đông Nam Á; việc đảm bảo phát triển bền vững, phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với phát triển xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng, tiến bộ xã hội, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô Hà Nội đã có những định hướng “mở” để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội sẽ thành lập thêm các khu, cụm công nghiệp để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài. Các khu công nghiệp mới đi vào hoạt động sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô. Đồng thời, tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, kết hợp tăng tốc độ hoàn thiện hệ thống hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Nguồn: Báo xây dựng