Hà Nội: Tích cực triển khai 63 dự án nhà ở xã hội với khoảng 61.900 căn hộ

(Xây dựng) – Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, các chỉ đạo của Trung tương, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, các chương trình của Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 3627/QĐ-UBND ngày 03/10/2022), trong đó xác định chỉ tiêu phát triển mới nhà ở xã hội đến năm 2025 khoảng 1,25 triệu m2 sàn, đến năm 2030 khoảng 2,5 triệu m2 sàn.

Hà Nội: Tích cực triển khai 63 dự án nhà ở xã hội với khoảng 61.900 căn hộ
Hà Nội tích cực triển khai 63 dự án nhà ở xã hội với khoảng 61.900 căn hộ.

Định hướng phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030

Trên cơ sở Chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội (khoảng 6,8 triệu m2 sàn giai đoạn sau năm 2020), UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 1186/QĐ-UBND ngày 23/02/2023), Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 5063/QĐ-UBND ngày 19/12/2022), trong đó xác định mục tiêu phát triển mới khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.

Ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” tại Quyết định số 338/QĐ-TTg, trong đó Hà Nội được giao chỉ tiêu theo Đề án là 56.200 căn trong đó: 18.700 căn giai đoạn 2021-2025 và 37.500 căn giai đoạn 2026-2023.

UBND Thành phố Hà Nội đã khẩn trương chỉ đạo các Sở, ngành nghiên cứu, tham mưu cho Thành phố chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao tại Đề án. Đồng thời, UBND Thành phố Hà Nội đã lồng ghép việc tổ chức triển khai Đề án với việc chỉ đạo và tổ chức triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản; Thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND Thành phố về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố; chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn Thành phố.

Song song với quá trình chỉ đạo điều hành, UBND Thành phố Hà Nội đã tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng đưa các cơ chế, chính sách, quy định nhằm đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở xã hội vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đã được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2023 (Luật Nhà ở số 27/2023/QH15).

Tích cực triển khai 63 dự án nhà ở xã hội với khoảng 61.900 căn hộ

Giai đoạn từ 2021 đến hết năm 2023, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã có: 5 dự án hoàn thành toàn bộ, 2 dự án hoàn thành một phần với khoảng 0,41 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng 5.200 căn hộ, đã bao gồm 01 dự án xây dựng nhà ở công nhân hoàn thành với khoảng 0,13 triệu m2 sàn, khoảng 1.170 căn hộ; 54 dự án đang triển khai với khoảng 3,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng 46.700 căn hộ.

Trong năm 2024, Thành phố Hà Nội dự kiến phát triển mới để hoàn thành khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội tại 7 dự án, trong đó: 03 dự án đang triển khai, dự kiến hoàn thành với khoảng 78 nghìn m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng 1.180 căn hộ; 04 dự án phát triển mới (là 04 dự án nhà ở xã hội (độc lập) tập trung tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, xã Cổ Bi huyện Gia Lâm, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh với tổng diện tích sàn khoảng 0,7 triệu m2, khoảng 9.000 căn hộ).

Giai đoạn 2021-2030, Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai 63 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 61.900 căn hộ, trong đó đến nay đã có 5 dự án đã hoàn thành với khoảng 5.200 căn hộ. Theo đó, Thành phố Hà Nội cơ bản đáp ứng chỉ tiêu đã được giao tại Đề án 338 của Chính phủ.

Theo Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố trong giai đoạn 2021-2030 Thành phố Hà Nội triển khai hoàn thành 5 Khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) với quy mô diện tích đất khoảng 250ha, hơn 1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội tương đương khoảng 15.000 căn hộ, đến nay 4/5 dự án nhà ở xã hội tập trung đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo pháp luật về đầu tư làm cơ sở để tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án. Ngoài ra, Thành phố Hà Nội đang chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát các quỹ đất ở 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để phát triển mới các dự án nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn của nhân dân Thủ đô.

Cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2023, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cần có quy định rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng, trường hợp thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu cần có quy định quy trình đấu thầu riêng (đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện) đối với loại hình nhà ở xã hội.

Thành phố Hà Nội kiến nghị, Bộ Xây dựng nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trong quá trình xây dựng các Nghị định có quy định việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được thực hiện theo quy trình riêng theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện.

Về việc sử dụng nguồn tiền thu được từ tiền đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội có quy mô sử dụng dưới 10ha: Pháp luật hiện hành chưa quy định, hướng dẫn sử dụng khoản tiền thu được từ chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nộp tương đương quỹ đất ở tại dự án để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong khi đó nguồn lực tài chính của Thành phố để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách còn hạn chế.

Bộ Xây dựng nghiên cứu quy định theo hướng cho phép sử dụng số tiền thu được tương đương giá trị quỹ đất ở 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị thông qua Quỹ đầu tư phát triển của địa phương để đầu tư xây dựng hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi phục vụ phát triển nhà ở xã hội để các địa phương có quỹ riêng tạo nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, chủ động đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội theo chủ trương của Chính phủ và không bị phụ thuộc vào việc cân đối, bố trí vốn ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Luật Nhà ở 2014 (điểm d khoản 1 Điều 58), Nghị định 49/2021/NĐ-CP (khoản 8 Điều 1) quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Luật Nhà ở 2023 (điểm d khoản 2 Điều 85) nay chỉ quy định “Được UBND cấp tỉnh hỗ trợ thực hiện đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực, bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội trong và ngoài phạm vi dự án”; Tuy nhiên theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 198: “Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã được quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, chấp thuận đầu tư, đã có văn bản lựa chọn chủ đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện theo nội dung văn bản đã được quyết định, chấp thuận, phê duyệt…”.

Thực tế hiện nay, chưa quy định cụ thể danh mục các hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ, làm cơ sở để thực hiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư để thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng quy định cụ thể danh mục các hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội đã được quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, chấp thuận đầu tư, đã có văn bản lựa chọn chủ đầu tư trước ngày Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực thi hành, làm cơ sở để cơ quan Nhà nước thực hiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư để thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội. Cần nghiên cứu, quy định: Các cơ chế, chính sách ưu đãi hơn nữa nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội để cho thuê (nhất là nhà ở cho công nhân); đồng thời quy định cho phép các chủ đầu tư dự án có sử dụng đất được chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ dự án thành nhà ở xã hội nếu phù hợp với quy hoạch và được làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sau chuyển đổi.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích