Hà Nội: Thêm 9 ổ dịch sốt xuất huyết, số ca mắc ho gà vẫn đang tăng

Hà Nội: Thêm 9 ổ dịch sốt xuất huyết, số ca mắc ho gà vẫn đang tăng

Tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 20 ca mắc ho gà, với xu hướng tăng ca mắc.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 12 đến 19-7), trên địa bàn thành phố ghi nhận 118 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 9 trường hợp so với tuần trước đó.

Bệnh nhân phân bố tại 21 quận, huyện. Trong đó, huyện Đan Phượng ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất với 50 ca, tiếp đến là quận Hà Đông và huyện Phúc Thọ – mỗi nơi có 10 ca; các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai có 5 ca mắc…

Ngoài ra, tuần qua có thêm 9 ổ dịch SXH tại 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đan Phượng, Quốc Oai và Phúc Thọ. Đáng chú ý, kết quả giám sát các ổ dịch SXH đang hoạt động trong tuần cho thấy có những điểm chỉ số bọ gậy cao vượt ngưỡng gấp 2-3 lần.

Số ca mắc ho gà vẫn đang tăng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm 20 trường hợp mắc ho gà; số ca mắc tăng 8 trường hợp so với tuần trước đó. Trong đó có 14 trường hợp là trẻ dưới 5 tháng tuổi (chiếm 70%).

Các ca bệnh ho gà được ghi nhận rải rác tại 15/30 quận, huyện, thị xã.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã có 193 trường hợp mắc ho gà, tại 29 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca bệnh.

Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trên địa bàn thành phố sẽ còn tiếp tục xuất hiện rải rác các ca ho gà, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Với bệnh ho gà đã có vaccine, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân cần chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Lịch tiêm vaccine ho gà cho trẻ vào các thời điểm:- Mũi 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi.- Mũi 2: Tiêm sau mũi 1 một tháng.- Mũi 3: Tiêm sau mũi 2 một tháng. Mũi 4: Tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, biểu hiện đặc trưng khi trẻ mắc ho gà gồm:

– Khởi đầu, trẻ có thể không sốt hoặc sốt nhẹ.

– Bệnh nhân đau đầu, chảy nước mũi, mệt mỏi, chán ăn và ho.

– Đặc điểm đặc trưng của cơn ho gà là: Trẻ ho rũ rượi, liên tục, không thể kìm hãm được; sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy; cuối cơn ho trẻ thường bị chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

Bệnh nhân mắc ho thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bội nhiễm; bệnh có thể gây biến chứng viêm phế quản, viêm phổi, đặc biệt ở trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh ho gà, trẻ suy dinh dưỡng.

Để phòng bệnh ho gà, Bộ Y tế khuyến cáo, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine có thành phần ho gà đầy đủ, đúng lịch.

Đồng thời, để phòng bệnh lây lan, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.

Người dân cần giữ nơi ở, lớp học được thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Đặc biệt, khi cha mẹ thấy trẻ có dấu hiệu mắc ho gà hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần cho trẻ nghỉ học, cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích