Hà Nội thành lập đoàn kiểm tra về việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 15-KH/BCĐ, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

Ban Chỉ đạo sẽ thành lập 2 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra tại một số cơ quan, đơn vị về nội dung trên trong năm 2023. Đoàn 1 do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong – Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU làm Trưởng đoàn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản là Phó Trưởng đoàn. Ngoài ra, còn có các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện lãnh đạo các Sở: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ… Đoàn sẽ kiểm tra việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các đơn vị: Sở Thông tin và Truyền thông; Quận ủy Đống Đa, Quận ủy Đông Anh.

Đoàn 2 do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU làm Trưởng đoàn, các thành viên Ban Chỉ đạo… Đoàn sẽ kiểm tra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Y tế.

Hà Nội thành lập 2 đoàn kiểm tra về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa

Thông qua kiểm tra, thành phố đánh giá công tác phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU; việc xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch, chuyên đề, đề án cụ thể hóa nội dung chương trình tại các địa phương, đơn vị; những khó khăn, vướng mắc; kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai và kết quả thực hiện chương trình của các cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai thực hiện chương trình.

Để làm tốt việc này, Ban Chỉ đạo yêu cầu việc kiểm tra phải được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, bảo đảm khách quan, toàn diện theo nội dung kế hoạch đã đề ra; không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị được kiểm tra. Kết thúc kiểm tra có kết luận kiểm tra. Nội dung kết luận kiểm tra phải chỉ rõ những ưu điểm, tồn tại hạn chế (nếu có) và nguyên nhân, biện pháp khắc phục, đề xuất kiến nghị để từ đó định hướng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU.

Xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp ngày càng hiệu quả vào nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững, thời gian qua TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho kinh tế Thủ đô. Luôn quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.

Để triển khai các nhiệm vụ của Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2019-2025” theo Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019 của UBND Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện các hoạt động phát triển nguồn nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể: đã hỗ trợ 5 đơn vị truyền thông về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; hỗ trợ 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhận kinh phí thuê mặt bằng; hỗ trợ 2 vườn ươm, không gian làm việc chung nhận kinh phí sửa chữa, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ 50% kinh phí tổ chức 4 khoá đào tạo cho 60 Start up, 60 huấn luyện viên cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; hỗ trợ 50% kinh phí tổ chức khoá huấn luyện, đào tạo cho 10 Start up đi kết nối trao đổi kinh nghiệm tại Singapore.

Đồng thời, hoàn thành xây dựng báo cáo giữa kỳ về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Hà Nội. Tính đến hết năm 2022, Thành phố có 16 quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo được thành lập; tổ chức hơn 20 hội thảo, hội nghị, tọa đàm kết nối đầu tư, kết nối các thành phần hệ sinh thái, tạo mạng lưới liên kết từ chuyên gia, doanh nghiệp đến các Startup; từ các quỹ đầu tư đến các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dự án đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đáng chú ý, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022 phê duyệt Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội triển khai một số nhiệm của Kế hoạch như: Xây dựng cẩm nang chuyển đổi số cho doanh nghiệp; Truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Tổ chức 23 khoá đào tạo khởi sự, quản trị nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội; Tổ chức đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số cho 18 doanh nghiệp chế biến, sản xuất về chuyển đổi số; Xây dựng 10 bài giảng trực tuyến cung cấp kiến thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; Xây dựng phần mềm, nên tảng để tập hợp, phân tích, đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, thành phố tạo điều kiện và nguồn lực tối đa cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số. Theo đó, Hà Nội đã bố trí hơn 15 tỷ đồng để triển khai các nhiệm vụ của Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn thành phố. 

Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội đã hỗ trợ 6 đề tài, 10 dự án sản xuất thử nghiệm do doanh nghiệp chủ trì thực hiện đang triển khai nhằm nghiên cứu, sáng tạo các giải pháp, công nghệ mới để ứng dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và triển khai thực nghiệm để thử nghiệm các giải pháp, phương pháp mới, sản xuất thử ở quy mô nhỏ nhằm hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới tại doanh nghiệp.

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích