Hà Nội tập trung nguồn lực để điều trị cho người bệnh sốt xuất huyết
Ghi nhận thêm 2.476 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 10 đến 17/11), trên địa bàn Thành phố ghi nhận thêm 2.476 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (giảm 54 ca so với tuần trước đó).
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – Trần Thị Nhị Hà kiểm tra công tác phòng, chống và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Ảnh: Sở Y tế cung cấp) |
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần qua, trong đó đứng đầu là Thanh Oai với 209 ca, tiếp đến là Hà Đông 206 ca, Đống Đa 199 ca, Hoàng Mai 170 ca, Thường Tín 145 ca, Thanh Trì 133 ca, Phú Xuyên 120 ca, Chương Mỹ 110 ca.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Thành phố đã có 33.489 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 4 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, trong tuần qua ghi nhận 69 ổ dịch tại 18 quận, huyện, thị xã, giảm 10 ổ dịch so với tuần trước đó. Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều ổ dịch như: Đống Đa có 8 ổ dịch; Thường Tín, Thanh Oai, Đông Anh, Hai Bà Trưng – mỗi nơi có 7 ổ dịch; Hà Đông 6 ổ dịch; Thanh Trì 5 ổ dịch… Như vậy, tổng số ổ dịch từ đầu năm đến nay là 1.826, hiện còn 159 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện, thị xã.
Đáng lưu ý, ngoài 2 tuýp vi rút Dengue lưu hành chủ yếu là D1 và D2, kết quả giám sát mới đây cho thấy, Hà Nội ghi nhận thêm tuýp D3 gây bệnh sốt xuất huyết. Cụ thể, theo CDC Hà Nội, kết quả giám sát tuýp vi rút Dengue lưu hành năm 2023 có 14 mẫu dương tính với D1, 17 mẫu dương tính D2, 1 mẫu dương tính D3.
Theo các chuyên gia y tế, ở nước ta, hiện có 4 tuýp vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết được ký hiệu là D1, D2, D3 và D4. Do đó, một người có thể mắc đến 4 lần sốt xuất huyết trong đời và lần 2 thường nặng hơn lần đầu.
Phân tuyến điều trị
Ngay từ đầu mùa dịch sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị thành lập và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết Dengue” và đường dây nóng phòng, chống dịch, tăng cường hội chẩn khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành; sẵn sàng kích hoạt hệ thống báo động đỏ nội viện, ngoại viện trong tình huống người bệnh diễn biện nặng, phức tạp để kịp thời cấp cứu, chuyển viện, chuyển tuyến kịp thời.
Đồng thời, căn cứ Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue của Bộ Y tế được ban hành vào tháng 7/2023, cũng như để người bệnh mắc sốt xuất huyết Dengue được tiếp cận với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhanh nhất, gần nhất, hạn chế tai biến và tử vong, Sở Y tế đã tổ chức phân tuyến điều trị.
Bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn thăm hỏi tình trạng bệnh nhân mắc sốt xuất huuyết. |
Việc phân tuyến này căn cứ vào năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất, khả năng tiếp nhận, năng lực điều trị của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố. Sở Y tế Hà Nội phân công các bệnh viện tuyến I hỗ trợ chuyên môn, chỉ đạo tuyến các đơn vị tuyến II và tuyến II hỗ trợ tuyến III.
Sở Y tế Hà Nội phân tuyến tiếp nhận điều trị người bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn theo nguyên tắc, thứ nhất là cán bộ y tế khám, đánh giá mức độ lâm sàng của người bệnh; yếu tố nguy cơ tiên lượng nặng và các điều kiện để điều trị tại nhà hoặc phải điều trị tại các cơ sở y tế.
Thứ hai, là người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển độ để xử trí kịp thời; nếu vượt quá khả năng điều trị cần hội chẩn, liên hệ chuyển tuyến sớm, vận chuyển an toàn. Các bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng, diễn biến bệnh phức tạp được hội chẩn và chuyển tuyến Trung ương.
Theo ông Bùi Quốc Vương, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Hà Nội: “Đối với công tác điều trị, ngành Y tế Hà Nội đặc biệt chú trọng mục tiêu ngăn chặn ca tử vong do sốt xuất huyết. Tính đến nay, Hà Nội ghi nhận 4 ca tử vong do sốt xuất huyết, số ca tử vong thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, đồng thời cũng là một trong các địa phương có tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết thấp nhất cả nước.
Công tác điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn đang được đáp ứng tốt, chưa có việc quá tải trong điều trị. Ngành Y tế Hà Nội phân công 40 bệnh viện trên địa bàn đảm nhiệm thu dung, điều trị; chuẩn bị 4.200 giường bệnh để phục vụ thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết”.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức bình bệnh án các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue diễn biến nặng tại 5 bệnh viện là: Xanh Pôn, Đức Giang, Thanh Nhàn, Đống Đa và Đan Phượng. Buổi bình bệnh án có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai để hướng dẫn và rút kinh nghiệm trong toàn ngành. Từ những tồn tại, hạn chế được các chuyên gia đóng góp cho ngành Y tế, Sở Y tế Hà Nội đã có chỉ đạo các đơn vị về việc rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết.
Nhân viên y tế dọn vệ sinh môi trường, loại bỏ những nơi sinh sản của muỗi gây bệnh. |
Đó là trong quá trình tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị cần nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo, tiên lượng tiến triển, để có phương án điều trị, chuyển tuyến kịp thời. Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát toàn bộ nhân lực, trang thiết bị, thuốc vật tư hóa chất, máu và các chế phẩm máu, xây dựng phương án diễn tập cấp cứu ca bệnh, thiết lập hệ thống báo động đỏ nội viện, sẵn sàng kích hoạt khi cần. Báo cáo kịp thời các sự cố y khoa theo quy định, đặc biệt sự cố y khoa có liên quan đến truyền máu và các chế phẩm máu về Sở Y tế Hà Nội. Các bệnh viện trong và ngoài công lập, TTYT, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, quy định số điện thoại, trách nhiệm cán bộ trực đường dây nóng, số điện thoại của lãnh đạo phụ trách chuyên môn để tiếp nhận thông tin chuyển tuyến.
Với các TTYT, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tích cực truyền thông cho người dân tự phát hiện sớm các dấu hiệu mắc sốt xuất huyết, phối hợp chặt chẽ với cộng tác viên, theo dõi diễn biến dịch, phát hiện sớm ca bệnh, xử trí ổ dịch theo quy định hạn chế ca mắc sốt xuất huyết Dengue tại cộng đồng, hạn chế diễn biến nặng, tử vong.
Theo đó, toàn ngành Y tế Hà Nội có 5 bệnh viện tuyến I là: Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Tuyến II là các bệnh viện: Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, Bệnh viện Hòe Nhai, Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, các bệnh viện đa khoa huyện và Trung tâm Y tế (TTYT) Hai Bà Trưng, TTYT Hà Đông, TTYT Đống Đa, TTYT Tây Hồ, TTYT Thanh Xuân. Các TTYT quận, huyện còn lại và các bệnh viện đa khoa, phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn là những cơ sở điều trị tuyến III. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô