Hà Nội tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn

Hà Nội tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn

UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch về tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố Hà Nội. Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện. Tập trung nguồn lực lớn, có trọng điểm của nhà nước và đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội cho công tác bảo vệ môi trường, cấp nước sạch nông thôn và đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Hướng tới phát triển nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân khu vực nông thôn Thủ đô.

Mục tiêu chung là thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bản thành phố Hà Nội, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, phấn đấu đưa vùng nông thôn của Thủ đô trở thành nơi đáng sống.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, 08 nội dung chính được triển khai bao gồm: Chất thải và phụ phẩm công nghiệp; Bao gói thuốc bảo vệ thực vật; Chất thải rắn sinh hoạt; Nước thải sinh hoạt; Bảo vệ môi trường làng nghề; Cảnh quan nông thôn; An toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; Cấp nước sạch nông thôn.

Từ đó, 05 nhóm giải pháp được thực hiện, bao gồm: Cơ chế chính sách; Tuyên truyền, tập huấn; Khoa học công nghệ; Huy động nguồn lực; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

Ngọc Anh

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích