Hà Nội: Sẽ kiểm tra “đột xuất” các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội

Ngày 27/12/2024, Uỷ ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 386/KH-UBND, tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm và phòng, chống tệ nạn xã hội tại cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.

Khoảng 2.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ sẽ bị kiểm tra

Theo đó, Thành phố yêu cầu đẩy mạnh hoạt động của Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm (gọi tắt là Đội Kiểm tra liên ngành 178) các cấp trong việc phối hợp kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm.

Qua thanh kiểm tra các đơn vị liên quan sẽ kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính, kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối tượng kiểm tra là các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm như khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng, nhà trọ, biệt thự kinh doanh du lịch, căn hộ kinh doanh du lịch, căn hộ cho thuê, vũ trường, quán bar, karaoke, massage, xoa bóp, cà phê đèn mờ… đang hoạt động kinh doanh tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nội dung được Đội Kiểm tra liên ngành 178 tiến hành là kiểm tra việc chấp hành nội dung đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động, các điều kiện đảm bảo về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật; Kiểm tra việc sử dụng lao động, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của người lao động quy định trong một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và việc chấp hành các quy định khác của Bộ luật Lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Bên cạnh đó, Đội Kiểm tra liên ngành 178 cũng tiến hành kiểm tra việc thực hiện đăng ký tạm trú cho người lao động thuộc diện phải đăng ký tạm trú; Kiểm tra giấy xác nhận của địa phương nơi người đó thường trú hoặc giấy báo tạm vắng, bản cam kết không vi phạm tệ nạn ma túy, mại dâm của người lao động; Thực hiện cam kết của chủ cơ sở với các ngành chức năng, UBND cấp xã nơi cơ sở đăng ký kinh doanh về việc không để xảy ra tệ nạn ma túy, mại dâm tại cơ sở, thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh và chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm…

UBND cấp huyện có trách nhiệm giao Đội Kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện, cấp xã tổ chức kiểm tra ít nhất 2.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Riêng Đội Kiểm tra liên ngành 178 Thành phố tổ chức kiểm tra 80 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Thành phố. Trong đó, kiểm tra theo kế hoạch (có thông báo trước) 20 cơ sở và kiểm tra đột xuất 60 cơ sở.

Mục tiêu được Thành phố đặt ra, tổ chức kiểm tra đạt từ 60% trở lên tổng số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm trên địa bàn phải được kiểm tra ít nhất một lần. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện phức tạp về tệ nạn xã hội thì sẽ tổ chức tái kiểm tra để phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm về phòng, chống tệ nạn xã hội.

Sẽ kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất

Cũng theo Kế hoạch của UBND Thành phố, có hai hình thức kiểm tra là kiểm tra theo kế hoạch (có thông báo trước cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ) và kiểm tra đột xuất. Trong trường hợp kiểm tra đột xuất, Đội trưởng Đội Kiểm tra liên ngành 178 các cấp quyết định kiểm tra trong các trường hợp: Có đơn thư tố giác, có thông tin phản ánh về tình hình hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.

Ngoài ra, Đội Kiểm tra liên ngành 178 Thành phố còn kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Chủ tịch UBND Thành phố hoặc Giám đốc các Sở, ngành: Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn hóa và Thể thao, Công Thương, Y tế, Du lịch, Công an Thành phố khi phát hiện cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Đội Kiểm tra liên ngành 178 Thành phố có thẩm quyền tổ chức kiểm tra độc lập hoặc tùy theo tình hình có thể thông báo phối hợp với chính quyền và các lực lượng chức năng trên địa bàn để hỗ trợ, phối hợp kiểm tra. Căn cứ Biên bản kiểm tra, Biên bản vi phạm hành chính và mức độ vi phạm của cơ sở, đối chiếu theo các quy định của pháp luật, Đội trưởng Đội Kiểm tra liên ngành 178 Thành phố ban hành văn bản đề nghị Chánh Thanh tra các Sở, ngành chức năng, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Đối với cá nhân, tổ chức có nhiều hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều ngành khác nhau, Đội trưởng Đội Kiểm tra liên ngành 178 Thành phố ban hành văn bản đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện nơi xảy ra vi phạm hoặc báo cáo theo trình tự, trình Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Ngoài việc giao trách nhiệm cho UBND các quận, huyện, thị xã, các Sở Tài chính, Y tế, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Cục Quản lý thị trường Thành phố, UBND Thành phố còn giao nhiệm vụ cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Đội Kiểm tra liên ngành 178 Thành phố ra quyết định xử phạt các hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tham mưu cho UBND Thành phố ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính, tổng mức tiền phạt vượt quá thẩm quyền của UBND cấp huyện và Chánh Thanh tra các Sở, ngành…

Thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ (quý, 6 tháng và 01 năm) và báo cáo đột xuất về kết quả kiểm tra của Đội Kiểm tra liên ngành 178 Thành phố (theo yêu cầu của Chủ tịch UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo 89 Thành phố).

Về phía Công an thành phố Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Công an Thành phố và Trưởng Công an cấp huyện, cấp xã phối hợp với Đội Kiểm tra liên ngành 178 các cấp ra quyết định xử phạt các hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực ngành Công an quản lý, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành liên quan trong việc kiểm tra, thanh tra và xử lý cơ sở kinh doanh dịch vụ có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm. Kiểm tra và xử lý các vi phạm trong việc tuân thủ các quy định về kinh doanh dịch vụ trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện…

Khắc Hạnh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích