Hà Nội sẽ đón thêm 8 cụm công nghiệp mới vào năm 2030
(Xây dựng) – Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với UBND các huyện báo cáo UBND Thành phố tiếp tục thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp đối với 8 cụm công nghiệp vào Quy hoạch cụm công nghiệp Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030.
Hà Nội đã thành lập được 102 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.188ha, trong đó có 43 cụm công nghiệp được thành lập trong giai đoạn 2018 – 2020 với tổng diện tích 742ha. |
Thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các Sở, ngành, các quận, huyện, thị xã xây dựng và trình UBND Thành phố kế hoạch về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội năm 2024 nhằm tổ chức, quản lý, đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp đúng quy định của pháp luật, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp theo quy hoạch đáp ứng yêu cầu cho phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở đã phối hợp UBND các huyện: Gia Lâm, Thường tín báo cáo UBND Thành phố tiếp tục thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp đối với 8 cụm công nghiệp, gồm: Cụm công nghiệp Tín An, Cụm công nghiệp Thống Nhất, Cụm công nghiệp Nhất Hiệu huyện Thường Tín; Cụm công nghiệp Phú Xuyên, làng nghề Nam Tiến, huyện Phú Xuyên; Cụm công nghiệp Lệ chi, Cụm công nghiệp Dương Quang, Cụm công nghiệp Dương Xá, huyện Gia Lâm vào Quy hoạch cụm công nghiệp Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030.
Đến nay, Cụm công nghiệp Nam Tiến, huyện Phú Xuyên đã được UBND Thành phố chấp thuận bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; 2 cụm công nghiệp đã có văn bản thỏa thuận của Bộ Công Thương, đã họp Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố (Cụm công nghiệp Tín An, huyện Thường Tín; Cụm công nghiệp Lệ Chi, huyện Gia Lâm).
Tổ chức khởi công đầu tư hạ tầng kỹ thuật 4 cụm công nghiệp (Cụm công nghiệp Đông Phú Yên, huyện Chương Mỹ; Cụm công nghiệp Tam Hiệp, Liên Hiệp, huyện Phúc thọ, Cụm công nghiệp Xà Cầu, huyện Ứng Hòa), nâng tổng số cụm công nghiệp đã được khởi công lên 24 trong tổng số 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020.
Sở cũng phối hợp với UBND các huyện đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật 24 cụm công nghiệp đã khởi công, trong đó, 5 cụm công nghiệp đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quyết định thành lập cụm công nghiệp, đủ điều kiện để thu hút các dự án đầu tư thứ phát vào đầu tư sản xuất kinh doanh; 6 cụm công nghiệp hoàn thành hạ tầng kỹ thuật đạt trên 90%; kế hoạch hoàn thành đưa vào khai thác trong quý III/2024; có 3 cụm công nghiệp đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên từ 50%; có 10 cụm công nghiệp đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ được phê duyệt (đang san lấp mặt bằng, làm tường rào, hệ thống thoát nước…).
Đối với 19 cụm công nghiệp chưa khởi công, Sở Công Thương thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thị xã tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp.
Đến hết tháng 6/2024, có 1 cụm công nghiệp đã được UBND Thành phố quyết định giao đất (Cụm công nghiệp Đình Xuyên, huyện Gia Lâm); 5 cụm công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; 3 cụm công nghiệp đã giải phóng mặt bằng dưới 50% diện tích, chưa trình giao đất; 4 cụm công nghiệp chưa lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng.
Nguồn: Báo xây dựng