Hà Nội rút báo động lũ mức 2 trên sông Hồng tại 5 huyện, thị xã

Theo đó, căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Trạm thủy văn Sơn Tây) hồi 7h ngày 12/9/2024 là 13,23m (mực nước báo động 2 là 13,40m). Do đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội rút báo động II trên sông Hồng tại địa phận thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh.

Hà Nội rút báo động lũ mức 2 trên sông Hồng tại 5 huyện, thị xã
Ảnh minh họa.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh rút báo động 2.

Ngày 12/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội ban hành văn bản gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các quận, huyện, thị xã về việc nghiêm túc thực hiện công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố, hiện nay, tình hình mưa lũ trên địa bàn thành phố Hà Nội đang diễn biến hết sức phức tạp, mực nước các sông hiện đang ở mức cao: sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy trên báo động 2 và đang tiếp tục lên; sông Tích, sông Bùi, sông Cầu, sông Cà Lồ trên báo động 3, tuy nhiên, công tác tuần tra, canh gác tại một số địa phương còn chủ quan, chưa nghiêm túc theo quy định.

Để đảm bảo an toàn đê điều, chủ động ứng phó với những diễn biến bất lợi của mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ:

Tăng cường công tác kiểm tra; tổ chức lực lượng và nghiêm túc công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009; kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố thiên tai ngay từ đầu theo phương châm “4 tại chỗ” và báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố.

Kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các điếm canh đê trên địa bàn quản lý; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để có thể tổ chức thường trực trên điếm như: dọn dẹp sạch sẽ, phát quang cây cỏ dại trong phạm vi điếm; rà soát bổ sung trang bị các dụng cụ, số sách và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội tuần tra, canh gác…

Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND Thành phố nếu để xảy ra sự cố mất an toàn đê điều do không thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo quy định của pháp luật.

N.Hoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích