Hà Nội: Rà soát, bảo vệ cầu yếu mùa mưa bão
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, ngay từ tháng 7, Sở đã phối hợp với các địa phương tổ chức tổng rà soát hệ thống công trình cầu yếu, cầu tạm trên địa bàn.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và tổ chức triển khai kịp thời các phương án bảo vệ cầu yếu từ trước mùa mưa bão, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác duy tu, duy trì đảm bảo an toàn giao thông và tiến hành ngay các biện pháp xử lý đối với các công trình cầu yếu, cầu tạm có nguy cơ mất an toàn khi khai thác sử dụng. Trong đó có việc bổ sung biển cảnh báo, hạn chế tải trọng, trong trường hợp cần thiết tiến hành ngay việc tạm dừng khai thác để sửa chữa khắc phục.
Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc tổ chức kiểm định, kiểm tra đối với tất cả công trình cầu đang khai thác, quản lý đảm bảo chu kỳ kiểm định cầu đường bộ; quy trình kiểm định cầu trên đường ô tô; tiêu chuẩn Quốc gia về đánh giá tải trọng khai thác cầu đường bộ. Trên cơ sở kết quả kiểm định đưa ra phương án xử lý kịp thời khi phát hiện sự cố cũng như xây dựng kế hoạch, lộ trình cải tạo, sửa chữa hoặc đầu tư mới.
Cầu Chương Dương hiện phải “gánh” lượt xe qua lại gấp hơn 8 lần so với thiết kế. |
Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão cùng với việc các nhà máy thủy điện đang xả lũ dẫn đến mực nước sông Hồng dâng cao, Hà Nội đang đối mặt với tình trạng mưa lớn kéo dài, gây đe dọa đến cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là các cầu vượt sông.
Trước tình trạng này, Sở GTVT Hà Nội đã điều chỉnh tổ chức giao thông hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương; đồng thời cấm các phương tiện lưu thông qua cầu Trung Hà.
Với cầu Chương Dương, theo tìm hiểu từ phía Sở GTVT Hà Nội, với kết quả kiểm định mới nhất, cầu chính vẫn bảo đảm khả năng chịu lực HL93 (mức cao nhất áp dụng cho cầu, đường bộ hiện nay). Cánh gà 2 bên cầu vẫn đủ khả năng chịu lực H6 (6 tấn) trong phạm vi 3,5m. Phần móng, trụ cũng đủ khả năng chịu lực. Tuy nhiên, cầu Chương Dương đã xuất hiện một số hư hỏng. Cụ thể, bản mặt cầu xuất hiện các ổ gà và bong tróc lớp bê tông phủ mặt cầu ở một số vị trí; bên cánh gà phía thượng lưu và hạ lưu cũng đã hư hỏng, lớp bê tông bị bong tróc làm lộ phần cốt thép; xuất hiện han gỉ tại nhiều vị trí…
Để khắc phục, Sở GTVT đang tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế sau bước thiết kế cơ sở (thiết kế bản vẽ thi công). Dự kiến, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2025 – 2026.
Mỗi ngày, cầu Chương Dương có khoảng 95.000 lượt xe qua lại, gấp hơn 8 lần so với thiết kế. Sau 40 năm đưa vào sử dụng, mặt cầu và khe co giãn bị xuống cấp nhanh chóng, công tác sửa chữa, duy tu thường xuyên không đáp ứng được với lưu lượng phương tiện qua lại lớn.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin, Sở đang đề nghị các địa phương ưu tiên bố trí cân đối nguồn lực để đầu tư, cải tạo sửa chữa, thay thế các công trình cầu yếu, cầu tạm theo phân cấp quản lý. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất danh mục, kinh phí Thành phố hỗ trợ cho địa phương thực hiện cải tạo, sửa chữa, đầu tư xây dựng mới theo thứ tự ưu tiên và khả năng cân đối nguồn lực.
Sở GTVT cũng đề xuất các địa phương trong quá trình nghiên cứu thực hiện đầu tư, sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới công trình cầu có thể nghiên cứu tham khảo một số mẫu thiết kế điển hình trụ, dầm cho các kích thước khẩu độ cầu khác nhau để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thực hiện. Các khó khăn, vướng mắc nảy sinh liên quan đến kỹ thuật chuyên ngành trong quá trình tổ chức thực hiện cần tổng hợp, phản ánh kịp thời về Sở GTVT để được hướng dẫn, tháo gỡ.
Nguồn: Báo lao động thủ đô