Hà Nội quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2023 – 2024
Vui mừng, hân hoan
Dù Lễ khai giảng diễn ra vào lúc 6 giờ 30 nhưng từ rất sớm, hầu hết học sinh Trường Trung học phổ thông (THPT) Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) đã có mặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) với tâm trạng háo hức. Năm nay là năm học đầu tiên ở bậc học mới nên Vũ Thị Vân Khánh (học sinh lớp 10A8) cảm thấy khá hồi hộp.
“Tối qua em không ngủ được, mong trời sáng thật nhanh. Em đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để bước chân vào cấp học cuối của bậc phổ thông và em mong rằng sẽ có những ngày tháng học tập, rèn luyện bổ ích và thú vị tại trường”, Vân Khánh chia sẻ.
Trong khi đó, Đỗ Bảo Anh (học sinh lớp 12A1) cho biết, dù vui nhưng em có nhiều tâm trạng bởi năm nay là năm cuối cấp, đây cũng là Lễ khai giảng cuối cùng của tuổi học trò. Em và các bạn trong lớp đã thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị cho buổi lễ này.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ khai giảng tại Trường Hữu nghị T78 (huyện Phúc Thọ). |
Có mặt dự Lễ khai giảng cùng con tại Trường Tiểu học Nam Tiến A (huyện Phú Xuyên), chị Vũ Thị Bình (phụ huynh học sinh lớp 5A) bày tỏ mong muốn học sinh của trường tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn để có điều kiện học tập tốt. Chị Bình cũng cho biết, dù còn nhiều khó khăn, song gia đình luôn cố gắng đồng hành cùng nhà trường dành sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập của con.
Chị Nguyễn Trần Khánh Linh (phụ huynh học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở (THCS) Bế Văn Đàn, quận Đống Đa) chia sẻ, trước ngày khai giảng, các con có một tuần tham gia các hoạt động trải nghiệm định hướng mục tiêu học tập và xây dựng tập thể kỷ luật. Từng học sinh đều được bày tỏ những mục tiêu, ước muốn cũng như những lo lắng của bản thân khi vừa chuyển cấp học. Với sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý, các em đã được giải tỏa nhiều mối lo, có tâm trạng và kỹ năng tốt để sẵn sàng cho một năm học mới. Thông qua tuần định hướng, học sinh lớp 6 có thêm nhiều kỹ năng để thích ứng với phương pháp học ở cấp THCS.
“Mặc dù ra trường từ lâu, nhưng nay đưa con đi khai giảng, tôi vẫn có nhiều cảm xúc. Sau ngày khai giảng, các con chính thức bước vào năm học mới với nhiều nhiệm vụ mới và phải tự lập nhiều hơn so với khi còn học mầm non, vì vậy tâm lý lo lắng của phụ huynh là điều khó tránh khỏi. Song, tôi tin tưởng vào sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm và sự mẫu mực của đội ngũ thầy cô giáo sẽ giúp các con học sinh lớp 1 sớm vượt qua giai đoạn bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu. Tôi cũng mong nhà trường tiếp tục triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa, chú trọng giáo dục truyền thống, tăng cường giáo dục đạo đức, rèn nếp cho học sinh”, chị Nguyễn Hoàng My (phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Ba Đình) mong muốn.
Theo ghi nhận, trong sáng 5/9, cùng với học sinh cả nước, hơn 2,2 triệu học sinh Thủ đô đã tới các điểm trường để dự Lễ khai giảng năm học mới 2023 – 2024. Nhìn chung, Lễ khai giảng được các nhà trường tổ chức ngắn gọn nhưng trang trọng và ý nghĩa.
Dự Lễ khai giảng tại Trường Hữu nghị T78 (huyện Phúc Thọ), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tặng hoa chúc mừng những thành tích nổi bật của thầy và trò nhà trường, đồng thời gióng hồi trống đánh dấu thời khắc mở đầu năm học mới 2023 – 2024 với tinh thần mới, quyết tâm mới, vì những mục tiêu cao hơn, xa hơn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thầy cô giáo cùng các em học sinh tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2023 – 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra; tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo; tập trung đổi mới nội dung, phương pháp dạy – học, lấy người học làm trung tâm, đề cao tự học; nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học toàn diện trên các mặt “đức – trí – thể – mỹ”.
Cùng đó, nhà trường cũng cần tập trung nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống đi đôi với giáo dục tinh thần đoàn kết các dân tộc và mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, tạo môi trường học đường thân thiện, tích cực, lành mạnh với phương châm “trường là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em”…
Chung vui với thầy và trò Trường THCS Ngô Quyền (huyện Đông Anh), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đánh hồi trống Khai giảng năm học 2023 – 2024. Thầy giáo Trần Văn Huyền (Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền) cho biết, Trường THCS Ngô Quyền mới được thành lập từ năm 2020, nhưng đã nhanh chóng vươn lên. Năm học 2022 – 2023, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững; chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều khởi sắc. Các thầy cô giáo và học sinh đã đạt nhiều giải cao trong kỳ thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tham quan cơ sở vật chất dạy và học của Trường THCS Ngô Quyền (huyện Đông Anh). |
Trong đó, trường đoạt 1 giải Nhất, 2 giải Nhì Hội thi giáo viên giỏi cấp huyện; đoạt 16 giải kỳ thi học sinh giỏi các bộ môn văn hóa lớp 9 cấp huyện, 2 giải cấp Thành phố; đoạt 88 giải cấp huyện Cuộc thi “Đấu trường toán học”; đoạt Huy chương Vàng cấp thành phố Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” ngành GD&ĐT Thủ đô; đoạt 1 giải Nhất và 1 giải Ba cuộc thi vẽ tranh quốc tế với chủ đề “Em yêu Hà Nội – Thành phố vì hòa bình”; đoạt 3 giải toàn quốc cuộc thi “Trạng nguyên tuổi 13” lần thứ 8. Tỷ lệ học sinh của trường thi đỗ vào lớp 10 THPT hệ công lập đạt 99,25%, xếp thứ nhất toàn huyện. Cũng trong kỳ thi này, điểm trung bình môn Ngữ văn của học sinh trường xếp thứ 8 toàn Thành phố. Nhà trường được Ủy ban nhân dân Thành phố tặng danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”.
“Những thành tích trên đây là tiền đề để thầy trò nhà trường vững vàng, tự tin, sẵn sàng bước vào năm học mới với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo”, thầy giáo Trần Văn Huyền khẳng định.
Bảo đảm chất lượng ngay từ những ngày đầu năm học mới
Đây là năm thứ hai, học sinh Thủ đô đón Lễ khai giảng trực tiếp và trọn vẹn tại trường sau thời gian khá dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh (huyện Mê Linh) Đỗ Thị Thu Hương cho biết, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để tổ chức dạy học bảo đảm chất lượng ngay từ những ngày đầu năm học mới. Xác định việc rèn nếp với học sinh tiểu học là quan trọng, nhà trường đặt công tác giáo dục đạo đức là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, làm nền tảng để nâng cao chất lượng dạy học. Việc giảm áp lực, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập cũng là một trong những giải pháp quan trọng được kiên trì triển khai để xây dựng trường học hạnh phúc.
Cùng với học sinh cả nước, hơn 2,2 triệu học sinh Thủ đô đã chính thức bước vào năm học mới 2023 – 2024. |
Năm học 2023 – 2024 là năm học thứ tư ngành Giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó các khối lớp 4, 8 và 11 thực hiện ở năm đầu tiên. Tương tự như nhiều địa phương, Hà Nội cũng đối diện với khó khăn về tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học mới.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trước ngày khai giảng, các nhà trường đã được bổ sung hơn 6.000 giáo viên, trong đó có một nửa là giáo viên vừa được tuyển dụng viên chức, số còn lại là ký hợp đồng theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục năm 2023. Thể hiện quyết tâm khắc phục khó khăn, từng đơn vị, trường học cũng chủ động có giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế với tinh thần không để ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.
Tại quận Thanh Xuân, đơn vị đã xây dựng và vận hành “ngân hàng giáo viên”, qua đó các trường cùng cấp học trên địa bàn có thể chia sẻ nguồn giáo viên ở một số môn học còn thiếu. 100% giáo viên dạy lớp 4 và lớp 8 cũng đã được tập huấn, trong đó đặc biệt chú ý đến nội dung đổi mới phương pháp dạy học theo hướng chú trọng rèn luyện kỹ năng cho học sinh, khắc phục tình trạng nhồi nhét kiến thức.
Tại quận Hà Đông, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, hiện nay các đơn vị, trường học đang thực hiện rà soát để ký hợp đồng giáo viên thiếu trong định mức theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Trong dịp hè, Ủy ban nhân dân quận cũng đã tổ chức 13 lớp bồi dưỡng cho trên 3.800 cán bộ, giáo viên các trường Mầm non, Tiểu học, THCS công lập tham gia học tập…
Học sinh Thủ đô hân hoan chào đón năm học mới. |
Ngoài ra, quận cũng đã đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng mới trường học, cải tạo chống xuống cấp các trường học; đầu tư trang thiết bị dạy học các trường phổ thông đáp ứng yêu cầu trường chuẩn quốc gia và Chương trình giáo dục phổ thông 2018; hỗ trợ kinh phí đối với các trường xây dựng chuẩn quốc gia mới và công nhận lại; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về trường chuẩn quốc gia năm 2023.
Năm học 2023 – 2024, ngành Giáo dục Hà Nội xác định chủ đề là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo”. Toàn ngành tập trung thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn; các giải pháp thu hẹp khoảng cách, chất lượng giáo dục giữa các quận nội thành và các huyện; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; xây dựng trường học an toàn, thân thiện, trường học hạnh phúc; chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử Thăng Long – Hà Nội đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học, xây dựng “thế hệ trẻ sáng tạo”; nâng cao thể lực và tầm vóc học sinh Hà Nội…
Nguồn: Báo lao động thủ đô