Hà Nội: Phổ biến pháp luật hiệu quả tại các địa bàn trọng điểm
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa báo cáo tổng kết Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021, trong đó có Đề án Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kết quả thực hiện Đề án cho thấy, việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các địa bàn trọng điểm vi phạm pháp luật của Thành phố trong thời gian qua có sự chuẩn bị bài bản, từ khảo sát nhu cầu đến lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền.
Tiểu phẩm tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2020 của quận Nam Từ Liêm. (Ảnh: Linh Anh) |
Để thực hiện Đề án có hiệu quả, đồng bộ, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Công an thành phố xác định, lựa chọn 43 xã, phường, thị trấn là địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của Trung ương thuộc các quận, huyện, thị xã: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Sóc Sơn, Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Thanh Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Đan Phượng, Phú Xuyên, Mỹ Đức.
Đồng thời, tổ chức khảo sát, lấy ý kiến người dân ở hai xã, phường về các nội dung, hình thức tuyên truyền mà họ thấy hiệu quả. Qua khảo sát cho thấy, người dân mong muốn được tham dự bồi dưỡng kiến thức pháp luật; cung cấp tài liệu pháp luật; tham dự hội nghị, hội thảo, tọa đàm phổ biến kiến thức pháp luật; tham gia thi tìm hiểu pháp luật… Tuy nhiên, 27% ý kiến cho rằng mức độ tổ chức thực hiện các hoạt động PBGDPL ở địa phương được tổ chức thường xuyên, liên tục còn thấp.
Đa số cán bộ và người dân tại các địa bàn này muốn được thông tin về tình hình vi phạm, cách xử lý các vụ việc vi phạm thuộc những lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất đai; môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước; an toàn thực phẩm; hình sự, ma túy và các tệ nạn xã hội khác; trật tự an toàn giao thông; pháp luật về hòa giải ở cơ sở, cũng như mong muốn được phổ biến nội dung trong các quy định pháp luật thuộc những lĩnh vực này…
Sở Tư pháp – cơ quan được giao chủ trì Đề án đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 3.300 lượt người, giải đáp trực tiếp các vấn đề bức xúc của người dân tại địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực pháp luật như: Đất đai, môi trường, hình sự, ma túy, tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, và đăng ký tạm trú, tạm vắng tại. Đồng thời, lồng ghép trong các chương trình, đề án khác để tổ chức 106 hội nghị cho 26.500 lượt người tham dự trong đó có nhân dân của các địa bàn trọng điểm; biên soạn và phát hành 3.913.300 tài liệu sách hỏi – đáp pháp luật và tờ gấp tìm hiểu pháp luật…
Các quận, huyện, thị xã có địa bàn trọng điểm, các xã, phường, thị trấn là địa bàn trọng điểm đã biên soạn, phát hành 949.567 tài liệu tìm hiểu pháp luật; tổ chức 3.337 hội nghị tuyên truyền cho 800.024 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay, Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước đã tiếp nhận và tư vấn, trợ giúp được trên 3.000 vụ việc có liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, hình sự, mua bán người…
Tại các xã, phường, thị trấn, nhiều mô hình tự quản, tự phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội được duy trì hoạt động tương đối hiệu quả như: Các nhóm liên gia “3 tự phòng – 3 tự quản”; Tổ dân phố, khu dân cư, làng, thôn văn hóa; các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân; Giáo họ an toàn về an ninh trật tự, Câu lạc bộ Nông dân với công tác phòng, chống ma túy; Câu lạc bộ Vì bình yên cuộc sống; Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội của Hội Phụ nữ xã…
Nguồn: Báo lao động thủ đô