Hà Nội: Phát triển kinh tế đô thị thành phố theo hướng nhanh, hiệu quả, bền vững

(Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 3195/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế đô thị Thành phố Hà Nội”.

Hà Nội: Phát triển kinh tế đô thị thành phố theo hướng nhanh, hiệu quả, bền vững
Phát triển kinh tế đô thị là một trong những nội dung quan trọng mà Thủ đô đang tích cực triển khai.

Đề án này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025” và Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”…

Mục tiêu của Đề án là đánh giá thực trạng phát triển kinh tế đô thị Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, về các mặt: tăng trưởng kinh tế; thực trạng ngành thương mại – dịch vụ; các mô hình kinh tế mới; ngành công nghiệp – xây dựng và nông nghiệp đô thị.

Đồng thời, qua đó, Đề án xác định các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế đô thị Thành phố, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phấn đấu mục tiêu phát triển đô thị Thành phố Hà Nội theo hướng nhanh, hiệu quả, bền vững; đưa Hà Nội đến năm 2030 trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Chỉ tiêu cụ thể được đề ra trong giai đoạn này là: Kinh tế khu vực đô thị đóng góp chủ yếu vào GRDP toàn Thành phố đến năm 2025 là 85%, năm 2030 là 90%; Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 30% năm 2025, đạt 40% năm 2030; Phấn đấu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố, đến năm 2030 tăng 20%.

Tốc độ tăng trung bình hằng năm so với năm trước khoảng 20%; giá trị gia tăng dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng khoảng 15 – 20%; giá trị gia tăng ngành Giáo dục, đào tạo tăng 20 – 25%; giá trị gia tăng dịch vụ y tế tăng 25 – 30%; giá trị gia tăng dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng khoảng từ 20 – 25%.

UBND thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội là đơn vị thường trực theo dõi kết quả thực hiện Đề án, có trách nhiệm tổng kết, báo cáo các kết quả thực hiện hàng năm; kiến nghị các hoạt động tiếp theo. Các Sở, ban, ngành thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện nhiệm vụ cụ thể được giao tại Đề án.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích