Hà Nội: Phát huy sáng tạo, vận dụng ‘sức mạnh mềm’ văn hóa

Sau hơn bốn năm gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO và thực hiện các sáng kiến, cam kết để thúc đẩy hoạt động thiết kế sáng tạo trong các chương trình phát triển văn hóa – kinh tế – xã hội, đến nay, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến thiết kế sáng tạo.

Hà Nội: Phát huy sáng tạo, vận dụng 'sức mạnh mềm' văn hóa
Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa cam kết khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Ảnh minh họa: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Các hoạt động đã thu hút sự tham gia của đông đảo đơn vị, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, từng bước đưa hoạt động thiết kế sáng tạo vào mọi mặt của đời sống.

Thiết kế sáng tạo trong mọi mặt đời sống

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng chia sẻ: Khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, mục tiêu của Hà Nội là lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Sự kiện này giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế. Đây là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là khai thác, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa và con người, đồng thời quyết tâm chuyển hóa nguồn lực ấy thành “sức mạnh mềm” văn hóa, đảm bảo thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Hơn bốn năm qua, dù gặp không ít khó khăn do COVID-19, nhưng Hà Nội vẫn nỗ lực cho việc hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết của mình khi gia nhập Mạng lưới. Để thực hiện mục tiêu đưa hoạt động sáng tạo vào đời sống, lan tỏa tinh thần sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân, huy động cộng đồng tham gia hoạt động sáng tạo, Hà Nội phối hợp với các bên liên quan triển khai nhiều cuộc thi sáng tạo góp phần tái thiết đô thị, phát triển bền vững cho các tầng lớp nhân dân, tập trung vào thế hệ trẻ như: “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Ký họa Văn Miếu – Quốc Tử Giám”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội”…

Điều nhìn thấy rõ nhất là việc phát triển không gian các tuyến phố đi bộ, các không gian sáng tạo văn hóa, nghề thủ công trên địa bàn thành phố thời gian qua. Thời điểm nộp hồ sơ ứng cử năm 2019, Hà Nội mới chỉ có 2 Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phố Trịnh Công Sơn; đến nay, thành phố đã phát triển thêm 4 không gian khác gồm: Phố đi bộ và đường hoa trong không gian khu đô thị Bắc An Khánh, Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, Phố ẩm thực đêm và đi bộ Đảo Ngọc – Ngũ Xã, Phố đi bộ Trần Nhân Tông – Công viên Thống Nhất… Đặc biệt, quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành công tác tu bổ, tôn tạo, đưa vào hoạt động Không gian văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn gốm sứ Quang Vinh khánh thành Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt tại Bát Tràng. Cùng với đó là nhiều cuộc trưng bày, triển lãm thời gian qua được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Hà Nội: Phát huy sáng tạo, vận dụng 'sức mạnh mềm' văn hóa
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trở thành điểm nhấn lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với nhà xưởng, đầu máy trở thành không gian nghệ thuật triển lãm, trưng bày… thu hút đông đảo người dân đến tham quan. Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN

Ngoài ra, các không gian sáng tạo văn hóa khác cũng tập trung vào hoạt động sáng tạo, tiêu biểu như: Triển lãm kỹ thuật số “Magister Raffaello”nhân Kỷ niệm 500 năm Ngày mất của danh họa Raphael, triển lãm các tác phẩm vẽ minh họa trong cuộc thi “Hà Nội là…”, triển lãm “Những mảnh vụn” của Hợp tác xã Vụn-Art nhân kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam…

Đặc biệt, việc tổ chức các lễ hội văn hóa, các sự kiện, tiêu biểu về hoạt động sáng tạo của Thủ đô đã thu hút đông đảo giới sáng tạo và nhân dân tham gia. Trong đó, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đã tạo dấu ấn lớn khi quy tụ nhiều đơn vị, tổ chức, giới sáng tạo và cộng đồng, đồng thời khơi dậy các nguồn lực của văn hóa Hà Nội cho hoạt động sáng tạo.

Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho rằng, sáng tạo phải bứt ra khỏi môi trường, hoàn cảnh, thậm chí bứt ra khỏi thời cơ. Chưa bao giờ trong lĩnh vực tạo lập cơ ngơi vật chất của xã hội lại thuận lợi như bây giờ, do đó có nhiều điều kiện để sáng tạo. Các hoạt động sáng tạo của Hà Nội hiện nay rất tích cực, điều quan trọng làm thế nào để sáng tạo có sự chuyển động, tránh lãng phí và tạo ra xu hướng, trào lưu sáng tạo trong xã hội.

Kết nối hoạt động sáng tạo với quốc tế

Việc gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa trên trường quốc tế, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững. Bởi vậy, việc hợp tác, kết nối với quốc tế trong phát triển Thành phố Sáng tạo trên thế giới luôn được Hà Nội coi trọng.

Ngay sau khi trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, năm 2020 UBND thành phố Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm cấp cao “Tham vấn sáng kiến Hà Nội – Thành phố sáng tạo”. Tọa đàm nhằm trao đổi với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, về các ý tưởng và sáng kiến hỗ trợ Hà Nội xây dựng, xác định chiến lược, kế hoạch dài hạn nhằm phát huy hiệu quả, vai trò là Thành phố Sáng tạo của UNESCO, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng trong nước và quốc tế.

Hà Nội: Phát huy sáng tạo, vận dụng 'sức mạnh mềm' văn hóa
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm phát triển thành phố sáng tạo. Ảnh: hanoimoi.vn

Hơn 4 năm qua, Hà Nội liên tiếp tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo trong nước và quốc tế phát triển Thành phố Sáng tạo, tiêu biểu như: Tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 – Thực trạng và giải pháp”; Hội thảo “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến – văn minh – hiện đại”; Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố sáng tạo khu vực ASEAN mở rộng; Tọa đàm “Thành phố Sáng tạo Hà Nội – Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực”…

Với tư cách là thành phố thành viên, các năm 2021-2022, Hà Nội tham gia hội nghị, hội thảo, diễn đàn trực tuyến và hoạt động kết nối với các thành phố trong Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO tổ chức. Bên cạnh tiếp thu những sáng kiến và kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo trong khu vực về các hoạt động xây dựng Thành phố Sáng tạo, Hà Nội còn đẩy mạnh việc kết nối với các thành phố khác.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa – Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng, không chỉ đưa ra mục tiêu, UNESCO còn thúc đẩy hoạt động chia sẻ giữa các thành viên trong Mạng lưới để biến thành phố thành môi trường sống tốt cho mọi thành viên trong đô thị. UNESCO kỳ vọng, những đóng góp của thành viên Mạng lưới sẽ mở rộng hơn nữa theo hướng đóng góp cho toàn cầu. Các thành phố sẽ triển khai những sáng kiến khác nhau, chia sẻ với thành viên khác trong Mạng lưới, huy động các nguồn lực công – tư, kết nối các chuyên gia, nhà sáng tạo từ cấp độ địa phương đến quốc tế.

Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục triển khai các hoạt động sáng tạo theo hướng bắt nguồn từ di sản, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững; thu hút nhiều đối tượng tham gia các cuộc thi sáng tạo; đẩy mạnh tuyên truyền về Thành phố Sáng tạo bằng các hình thức nhằm đưa hoạt động sáng tạo lan tỏa sâu rộng trong đời sống.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích