Hà Nội: Phấn đấu đến năm 2025, hình thành 10.000 doanh nghiệp công nghệ số

(Xây dựng) – Vừa qua, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh ký ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND về việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2025.

Hà Nội: Phấn đấu đến năm 2025, hình thành 10.000 doanh nghiệp công nghệ số
Tháo gỡ khó khăn đối với Khu công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy và Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội. (Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn)

Kế hoạch nhằm phát triển 04 loại hình doanh nghiệp công nghệ số đã được xác định tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/9/2023 của UBND Thành phố Hà Nội. Cụ thể hóa, xác định rõ nội dung nhiệm vụ, giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2025 gắn với phân công thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương của Thành phố bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Chỉ tiêu Kế hoạch đặt ra là phấn đấu hình thành 10.000 doanh nghiệp công nghệ số và 10 nhóm sản phẩm công nghệ số là sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội. Đồng thời, ươm tạo được 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số có khả năng cung cấp ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của Thành phố.

Nhiệm vụ, giải pháp chung phát triển các loại hình doanh nghiệp công nghệ số

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền: Về chủ trương, chính sách của Nhà nước, Thành phố, hoạt động phát triển các loại hình doanh nghiệp công nghệ số. Đổi mới nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về phát triển và ứng dụng công nghệ số trong quản lý Nhà nước, trong phát triển kinh tế – xã hội; khuyến khích các cơ quan Nhà nước của Thành phố ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp công nghệ số. Tuyên dương các doanh nghiệp công nghệ số thực hiện tốt chiến lược “Made in Viet Nam” giai đoạn 2021 – 2025.

Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp: Nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp công nghệ số. Đến năm 2025, tập trung xây dựng, ban hành các văn bản: Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2026 – 2030; Chính sách hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp công nghệ số; Chính sách thu hút đầu tư về công nghệ thông tin, công nghệ số và vi mạch bán dẫn vào các khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn Thành phố, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ngoài ra, tháo gỡ khó khăn đối với Khu công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy và Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội.

Phát triển hạ tầng số: Thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn Thành phố đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng di động 5G, ưu tiên phát triển mạng di động 5G tại các khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn Thành phố và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ: Tăng cường các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về công nghệ số. Thông tin về các hoạt động cho vay từ Quỹ đầu tư phát triển của Thành phố để các doanh nghiệp công nghệ số tiếp cận nguồn vốn cho vay thực hiện sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của Thành phố.

Tạo lập thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số: Thông tin các chương trình, kế hoạch và đề án về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh của thành phố Hà Nội. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và mô hình kinh doanh. Định kỳ tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa chính quyền Thành phố với doanh nghiệp công nghệ số; Hội thảo, triển lãm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; Ký kết các chương trình hợp tác giữa chính quyền Thành phố Hà Nội với các Hội, Hiệp hội trong nước, nước ngoài.

Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể

Phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi.

Phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất.

Phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội. Phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số.

UBND Thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối của Thành phố Hà Nội thực hiện việc tổng hợp, điều phối, tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ số. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm giao Trung tâm Đào tạo, tư vấn Công nghệ thông tin và Truyền thông bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, con người để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ nêu trên.

Các Sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã tập trung các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo Nghị quyết số 01 hằng năm của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước và Nghị quyết số 02 hằng năm của Chính phủ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích