Hà Nội, những ngày “sống chậm”

(Xây dựng) – Những ngày này, Hà Nội đẹp lạ lùng, bởi đây là thời khắc Hà Nội sắp giao mùa sang thu. Nhưng Hà Nội lại đang phải mang một nỗi buồn của dịch bệnh, nỗi sợ bao trùm lên toàn thành phố, mọi người dân đều phải ở nhà, lạc quan gọi là “sống chậm”.

ha noi nhung ngay song cham
Hà Nội vẫn đẹp lung linh trong những ngày giãn cách.

Nếu không có dịch bệnh Covid-19 hoành hành, và người dân không phải thực hiện chỉ thị giãn cách, toàn dân không ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết, thì những ngày này phố phường Hà Nội đang ngập tràn những gánh hàng hoa sen cuối vụ lấp lánh trong nắng sớm chở hương về trong phố.

Sen cữ này thường là sen trắng, bông to và thơm ngát, là loài hoa được người dân Hà Nội yêu thích. Thường thì, mọi người hay ướp trà bằng sen hồng, nhưng người sành trà thì lại thích ướp bằng sen trắng gần cuối vụ, vì khi ấy sen mới hấp thụ đủ những giọt nắng, gió, sương sớm của mùa tháng 7, tháng của nắng không quá gắt như tháng 6 đủ để bông sen ngậm hương mà bừng nở.

Trước ngày Hà Nội ra chỉ thị giãn cách, hôm sau là ngày rằm, vì vậy không có nhiều hàng hoa nữa, vì người ta đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ, mấy ai nghĩ đến mua hoa ngày này. Tôi thấy chị bán hàng hoa đứng buồn thiu ế ẩm, chị mời tôi mua nốt vài bó hoa sen hộ chị, để chị kịp về quê, kẻo mai không về được nữa. Chị vừa gói hoa sen cho tôi, vừa bảo. Người thành phố có tiền thì những ngày ở nhà này gọi là “sống chậm” chứ chúng tôi thì sống ngắc ngoải à, bởi tiền đâu trả tiền thuê trọ, tiền ăn và sự bí bách khi ngồi vật vạ trong bốn bức tường. Về quê còn có vườn, có ao, có đồng ruộng và gia đình, về quê, bên gia đình mới “sống chậm” được.

ha noi nhung ngay song cham
Sen trắng Hồ Tây cuối vụ.

Chị bạn tôi người Hà Nội, chị sống giản dị và an yên, những ngày này chị khéo vén chi tiêu tiết kiệm, sống đủ với đồng lương ít ỏi cũng vui, chị giành thời gian cho con, chơi với con, mẹ con cùng nấu ăn, trồng hoa, trồng cây, đọc sách, làm việc online… chị bảo thời gian này, chị và con thương yêu, gần gũi và hiểu nhau hơn, chứ trước, chị bận bịu với công việc và những chuyến công tác xa nhà biền biệt, con chị thì đang tuổi trưởng thành tâm sinh lý không ổn định, rồi việc học thêm, việc học ở lớp và những áp lực bài vở đã làm con trở nên bướng bỉnh khó bảo, mẹ con thường xảy ra bất đồng xa lánh nhau. Thì đây chính là thời gian mẹ con hiểu nhau hơn, chị nhìn theo hướng tích cực, lấy cái được bù cho cái mất.

Một bạn gái khác là một người sống hướng ngoại, cô vốn không có thói quen tích trữ tài chính, cô quan điểm tiêu hết rồi lại có, cô mua bất cứ thứ gì mình muốn, cô không mấy khi nấu ăn, thích ăn ngoài hàng quán hơn. Nay dịch bệnh, công việc trở nên bấp bênh, thu nhập kém đi. Xung quanh thì đọc đâu cũng thấy dịch bệnh, toàn tin tiêu cực bủa vây, quán xá đóng cửa hết, có tiền cũng không mua được đồ ăn. Cô nhận thấy đã đến lúc cần phải biết cách tích lũy để phòng khi bất trắc, những bữa cơm gia đình do mẹ nấu mới giá trị làm sao, giản dị, đạm bạc mà quay quần ấm cúng, sự sẻ chia, yêu thương bên gia đình lúc này là một liều thuốc tích cực khiến cho người ta lạc quan vượt qua dịch bệnh.

Hà Nội, những ngày dịch bệnh phố xá trở nên ảm đạm, chỉ có những dãy tường màu vàng là vẫn đổ dài những bóng nắng lung linh. Hà Nội, hãy cứ chậm lại một bước đợi ngày mai phố xá sẽ bừng nở để đón mùa thu sang.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích